Xuất bản thông tin

LỄ HỘI VÍA BÀ CHÚA XỨ GÒ THÁP- NÉT ĐỘC ĐÁO CỦA LOẠI HÌNH DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ TẠI ĐỒNG THÁP

Trang chủ Tin hoạt động

LỄ HỘI VÍA BÀ CHÚA XỨ GÒ THÁP- NÉT ĐỘC ĐÁO CỦA LOẠI HÌNH DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ TẠI ĐỒNG THÁP

Di sản văn hoá phi vật thể là sản phẩm tinh thần có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, được lưu giữ và trao truyền qua nhiều thế hệ, bằng nhiều hình thức. Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Gò Tháp là lễ hội truyền thống dân gian được gìn giữ và thực hành qua nhiều thế hệ tại Khu di tích Gò Tháp, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp. Là lễ hội đặc sắc có từ lâu đời và là di sản văn hóa phi vật thể mang nét độc đáo, tiêu biểu cho vùng sông nước Nam Bộ.

           Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Gò Tháp diễn ra từ ngày 14 đến 16/3 (âm lịch) hàng năm, mỗi đợt thu hút hàng trăm ngàn lượt khách đến hành hương và dâng lễ. Lễ hội là dịp để người dân thể hiện sự tôn kính người Mẹ xứ sở và để cầu cho cuộc sống ấm no hạnh phúc, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Đây cũng là một lễ hội mang đặc trưng chung của tín ngưỡng thờ Bà Chúa xứ ở Nam Bộ. Tín ngưỡng thờ Bà Chúa xứ là tín ngưỡng dân gian đã có tự lâu đời, được hình thành do quá trình giao lưu văn hóa giữa các cộng đồng dân tộc sống cộng cư và cận cư với nhau trong công cuộc khai hoang mở cõi ở Nam Bộ, nằm trong sự đa dạng của tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt. Thời gian tổ chức các lễ Vía Bà Chúa Xứ ở Nam Bộ đều được tổ chức vào các tháng đầu của năm mới (theo âm lịch). Cũng như nhiều nơi khác ở Nam Bộ, tín ngưỡng thờ Bà Chúa Xứ ở Gò Tháp cũng thể hiện sự tôn kính người Mẹ đất hay người Mẹ xứ sở đã trở thành hình ảnh một bà mẹ nhân từ, phúc hậu đầy quyền uy, là vị nữ thần linh thiêng, bảo vệ chở che và ban phước cho người an vật thịnh. Người ta tin rằng khi đến cúng viếng Bà sẽ được Bà phù hộ và ban cho tài lộc, sức khỏe, sự thành công trong làm ăn buôn bán, trong công việc và trong cuộc sống.

Quang cảnh du khách tham gia Lễ hội Miếu Bà Chúa Xứ

           Tại Khu di tích Gò Tháp, Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ được tổ chức gồm hai phần: Phần nghi lễ và phần hội. Phần lễ Ban hội hương Gò Tháp thực hiện theo nghi thức dân gian truyền thống gồm các lễ như: lễ cúng cơm chay, lễ cầu an, lễ tắm Bà, cúng Thần nông, Lễ thỉnh sanh, cúng Chánh tế Bà Chúa xứ. Mỗi lễ cúng đều có nội dung hành lễ khác nhau, nhưng cái chung nhất là đều có bài văn tế do chánh bái đọc và theo đó là các nghi thức lễ phụ khác như: học trò lễ dâng trà, dâng rượu, dâng hương và dàn nhạc lễ. Trong phần hội hè gồm các hoạt động văn hóa - nghệ thuật, thể dục – thể thao phong phú, đa dạng như: Tổ chức chương trình ca múa nhạc, trích đoạn cải lương; Giao lưu Đờn ca tài tử và Hò Đồng Tháp; Quảng bá hình ảnh Khu di tích quốc gia đặc biệt Gò Tháp; Chiếu phim tư liệu; Triển lãm ảnh “Xây dựng văn hóa, con người Đồng Tháp nghĩa tình, năng động, sáng tạo”; các trò chơi dân gian,… dịch vụ ăn uống, giải khát tại chợ quê Gò Tháp; Tổ chức không gian trưng bày không gian văn hóa, làng nghề, giới thiệu sản phẩm OCOP, quảng bá hình ảnh, sản phẩm đặc trưng của 12 huyện, thành phố; Giới thiệu tour, tuyến Du lịch; Hội thi ẩm thực sen,…Với những hoạt động phong phú, đa dạng, hấp dẫn vào mùa Lễ hội vía Bà Chúa Xứ Gò Tháp, hàng năm nơi đây thu hút đông đảo du khách về tham dự lễ, dâng hương cúng viếng.

Ban hội hương Gò Tháp thực hiện nghi thức cúng Bà Chúa Xứ

 

Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Gò Tháp vừa để thỏa mãn nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng đồng thời cũng là dịp để người dân vui chơi, giải trí, quên đi những bồn bề của cuộc sống đời thường để hướng về cái thiện trong cuộc sống. Bước vào không gian lễ hội, du khách có thể cảm nhận như đang bước vào một hoạt động văn hóa tổng hợp, đan xen vào nhau: giữa vật chất và tinh thần, giữa tín ngưỡng và văn hóa, giữa cái thiêng liêng của tâm linh và cái gì đó rất đời thường, giữa cổ xưa và đương đại. Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ vừa mang giá trị di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc vừa là chỗ dựa tâm linh vững chắc cho những người dân địa phương trong suốt những năm qua. Từ đó góp phần nâng cao nhận thức và lòng tự hào của cộng đồng người dân, ý thức trách nhiệm của các thế hệ, nhất là thế hệ trẻ trong việc gìn giữ, thực hành và trao truyền Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Gò Tháp. Từng bước phát huy giá trị của lễ hội trong cuộc sống của người dân Nam Bộ, trở thành một sản phẩm văn hóa đặc trưng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh và khu vực./.

 

 TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Kế hoạch số 1280/KH-SVHTTDL ngày 09/4/2024 về tổ chức Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ (rằm tháng 3 Âm lịch) năm 2024 tại Khu di tích quốc gia đặc biệt Gò Tháp.

2. Dương Thị Bích Thủy 2016, “Tín ngưỡng thờ Bà Chúa Xứ ở Gò Tháp”, Gò Tháp di tích quốc gia đặc biệt, tái bản lần thứ nhất, có sửa chữa, bổ sung, Nxb. Văn hóa -Văn nghệ, tr.201-204.

3. Bảo tàng Đồng Tháp 2012, Lý lịch khu di tích Gò Tháp, Tư liệu Ban Quản lý Khu di tích Gò Tháp.

4. Nguyễn Hữu Hiếu 2005, Diễn trình văn hóa đồng bằng sông Cửu Long, Nxb. Thời đại.

5. Trần Ngọc Thêm. 2013, Văn hóa người Việt vùng Tây Nam Bộ. Nxb Văn hóa - Văn nghệ.

Tác giả: Hương Phạm