Xuất bản thông tin

ĐỀN THẦN MẶT TRỜI GÒ BÀ CHÚA XỨ

Trang chủ Đền thần Mặt trời Gò Bà Chúa Xứ

ĐỀN THẦN MẶT TRỜI GÒ BÀ CHÚA XỨ

Di tích được khai quật và phát hiện vào năm 1984. Kết quả khai quật xác định đây là một kiến trúc được xây bằng gạch, có diện tích khoảng 280m2, có cạnh bẻ góc, cân xứng giữa hai phần Bắc và Nam. Những phần đối xứng này tạo thành một bình đồ kiến trúc có 14 góc vuông và 24 cạnh dài ngắn khác nhau. Bề mặt của nền kiến trúc ở phía Đông có 64 ô vuông như dạng bàn cờ, chính là sự thể hiện của núi thiêng Mêru trong Hindu giáo trên mặt bằng kiến trúc. Trung tâm nền gạch có xếp hình Mặt trời tám cánh, xếp bằng tám viên gạch chỉ theo bốn hướng chính và bốn hướng phụ của địa bàn. Thêm vào đó, các nhà khảo cổ học người Pháp đã phát hiện được một tượng thần Surya tại di tích này, hiện tượng đang được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh. Từ đó các nhà khảo cổ học đã khẳng định di tích này là đền thần Mặt trời theo mô hình Manduka-Mandala (mandala vuông), trong đó thần mặt trời là thần chính, xung quanh là rất nhiều thần. Đền thần Mặt trời Gò Bà Chúa Xứ thuộc nền văn hóa Óc Eo, có ít nhất 3 lần trùng tu tôn tạo (có 3 loại gạch kích thước từ lớn đến nhỏ), niên đại từ thế kỷ IV.

            Năm 1995, nền kiến trúc được gia cố và xây dựng mái che để phục vụ khách tham quan và tìm hiểu về văn hóa Óc Eo tại Khu di tích Gò Tháp.

Đền thần Mặt trời Gò Bà Chúa Xứ

Trang chủ Đền thần Mặt trời Gò Bà Chúa Xứ

Đền thần Mặt trời Gò Bà Chúa Xứ

Đền thần Mặt trời Gò Bà Chúa Xứ thuộc nền văn hóa Óc Eo, theo mô hình Manduka-Mandala (mandala vuông), trong đó thần mặt trời là thần chính.

Gò Bà Chúa Xứ có tọa độ 10036’27” vĩ bắc, 105049’43” cao 3,96m so với mực nước biển. Nằm ở đầu phía Bắc của Khu di tích Gò Tháp, cách đỉnh gò Tháp Mười 575m về phía Bắc – Đông Bắc, cách đỉnh gò Minh Sư 230m về phía Bắc. Đỉnh gò có độ cao tuyệt đối 2,70m cao hơn mặt ruộng xung quanh 1,50m. Đường chân gò ở độ cao 2m có dạng tứ biên và các đường chân gò ở các độ cao 1,80m và 4,60m có dạng bầu dục theo hướng Đông Bắc – Tây Nam. Trên gò có các loại cỏ dại, đế và một số cây lớn như dầu, me … Di chỉ khảo cổ có tên Gò Bà Chúa Xứ, vì xưa kia đây là nền của Miếu Bà Chúa Xứ hay còn gọi là Linh Miếu Bà là một miếu xây bằng gạch dài 8,30m, rộng 7,30m mặt quay về hướng đông nam được cất năm 1973 trên địa điểm một ngôi miếu cũ bằng vật liệu nhẹ bị sụp đổ trong thời chiến tranh. Trước sân miếu có một bệ thờ Thần Nông mới cất. Theo tài liệu tham khảo, thì trước đây trên gò cũng có một Miếu Bà được cất năm 1914. Mặt gò rải rác và xuất lộ nhiều viên gạch cổ. Một số vật thờ (bệ linga) và tượng vỡ mảnh đá kiến trúc được gom lại dưới gốc cây trước Miếu để thờ dưới dạng ông Tà.

Năm 1984, để tiến hành công tác khai quật, Miếu Bà Chúa Xứ được dời qua phần đất bên cạnh, cách Gò Bà Chúa Xứ 40m về phía Tây Nam.

Kết quả khai quật xác định đây là một kiến trúc cỡ lớn xây bằng gạch dài 20,90m theo hướng Đông Tây (lệch nam 100), rộng 13,4m theo hướng Bắc Nam có cạnh bẻ góc, cân xứng giữa hai phần Bắc và Nam. Phần Đông Bắc đường móng bẻ góc bốn lần và đối xứng với phần Đông Nam. Phần Tây Nam, bẻ góc ba lần và đối xứng với phần Tây Bắc. Những phần đối xứng này tạo thành một bình đồ kiến trúc có 14 góc vuông và 24 cạnh dài ngắn khác nhau. Trong đó hai cạnh bắc và nam là dài nhất 12m, tiếp sau là cạnh phía tây dài 8,50m, cạnh phía đông dài 5,60m và các cạnh nhỏ dài từ 1,10m đến 2,80m. Bề mặt của nền kiến trúc ở phía Đông có 64 ô vuông như dạng bàn cờ, chính là sự thể hiện của núi thiêng Mêru trong Hindu giáo trên mặt bằng kiến trúc. Trung tâm nền gạch có xếp hình Mặt trời tám cánh, xếp bằng tám viên gạch chỉ theo bốn hướng chính và bốn hướng phụ của địa bàn. Thêm vào đó, các nhà khảo cổ học người Pháp đã phát hiện được một tượng thần Surya tại di tích này, hiện tượng đang được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh. Từ đó các nhà khảo cổ học đã khẳng định di tích này là đền thần Mặt trời theo mô hình Manduka-Mandala (mandala vuông), trong đó thần mặt trời là thần chính, xung quanh là rất nhiều thần. Đền thần Mặt trời Gò Bà Chúa Xứ thuộc nền văn hóa Óc Eo, có ít nhất 3 lần trùng tu tôn tạo (có 3 loại gạch kích thước từ lớn đến nhỏ), có niên đại từ thế kỷ IV A.D đến thế kỷ XII A.D.

 

Description: C:\Users\pc\Desktop\Dấu-Xưa-Gò-Tháp-thanh-nhân.gif

Kiến trúc đền thần Mặt trời Gò Bà Chúa Xứ - ảnh: Thanh Nhân

Năm 1995, nền kiến trúc được gia cố và xây dựng mái che để phục vụ khách tham quan và tìm hiểu về văn hóa Óc Eo tại Gò Tháp. Năm 2010, di tích được trùng tu lại, gia cố cho nền gạch thêm chắc chắn, nâng mái che cao hơn và kéo dài thêm để đảm bảo che mưa nắng và tạo độ thông thoáng cho di tích. Mái che nhìn từ xa có dạng chiếc nón lá úp (hình chóp) lợp tôn màu đỏ, cổng vào tham quan di tích được trang trí các phù điêu hình hoa sen cách điệu, ở các pano chắn gió có các phù điêu tượng Óc Eo. Tại đây, hàng ngày cũng như vào các dịp lễ hội đã thu hút rất đông khách tham quan và khách hành hương đến chiêm ngưỡng di tích độc đáo này./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Võ Sĩ Khải 1984, Báo cáo sơ bộ khai quật đợt I di chỉ Linh Miếu Bà (Gò Bà Chúa Xứ) huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp. Tư liệu Ban Quản lý Khu di tích Gò Tháp.

2. Đào Linh Côn 1996, Nhìn lại kiến trúc Linh Miếu Bà (Gò Tháp – Đồng Tháp). Tư liệu Ban Quản lý Khu di tích Gò Tháp.

3. Nguyễn Hữu Lý 2013, Văn hóa tín ngưỡng thời Óc Eo và hậu Óc Eo ở Gò Tháp trong bối cảnh văn hóa Óc Eo ở Tây Nam Bộ. Luận văn Thạc sĩ Văn hóa học.

Tác giả: Lê Thị Hậu

(Trích từ sách: Gò Tháp Di tích Quốc gia đặc biệt, tái bản lần thứ 1, có sửa chữa bổ sung. Nxb. Văn hóa – Văn nghệ Tp. Hồ Chí Minh)