Xuất bản thông tin

DI TÍCH ĐỀN THẦN SHIVA GÒ MINH SƯ

Trang chủ Đền Thần Shiva Gò Minh Sư

DI TÍCH ĐỀN THẦN SHIVA GÒ MINH SƯ

Di tích được các nhà khảo cổ học đào thăm dò và phát hiện vào năm 1984.  Đến năm 2009, di tích được khai quật, làm xuất lộ toàn bộ kiến trúc xây bằng gạch, có bình đồ gồm:

- Kiến trúc lớn ở trung tâm cấu tạo gồm hai hình khối vuông xây nối tiếp nhau nằm theo hướng Đông Tây. Trong đó, hình khối vuông phía Tây  và khối vuông phía Đông xây gá vào nhau tạo tổng thể kiến trúc cân xứng giữa hai phần Bắc và Nam qua trục giữa Đông – Tây.

- Hành lang bên ngoài kiến trúc có hình chữ nhật, có diện tích 456 m2.

- Kiến trúc cổng nằm ở phía Đông, có hình tứ giác. Kiến trúc phụ ở phía Bắc có hình gần vuông.

 Cũng trong đợt khai quật này, các nhà khảo cổ đã tìm thấy được một số hiện vật quý gồm: một nhẫn vàng 5 chỉ 8 phân, một khuyên tai bằng vàng, bốn vòng đeo tay bằng đồng. Đặc biệt là tìm thấy một máng nước thiêng (Somasutra) và phần đầu của Yoni bằng đá. Đây chính là những dấu hiệu để nhận biết một ngôi đền của thần Shiva.

Ở phía Đông Bắc của di tích, còn có một Ao thần hình vuông (Stepped pond) được xây dựng bằng cách xếp gạch dạng bậc thang, thu nhỏ dần xuống đáy với tổng số lớp gạch (ở vị trí còn nguyên vẹn nhất) là 20 lớp. Ao được xây với trình độ kỹ thuật cao, được gia cố móng bằng các thanh đà gỗ chống lún rất quy mô. Kiến trúc này có chức năng chứa nước dùng trong các nghi lễ tôn giáo trước khi vào đền thần Shiva Gò Minh Sư.

Di tích kiến trúc đền thần Shiva Gò Minh Sư thuộc nền văn hóa Óc Eo, có niên đại từ thế kỷ thứ VI. Năm 2015, Ban Quản lý Khu di tích Gò Tháp đã xây dựng mái che bảo quản di tích để trưng bày phục vụ khách tham quan nghiên cứu.