Xuất bản thông tin

null Đền thờ Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều tại Di tích quốc gia đặc biệt Gò Tháp

Chi tiết bài viết Tin hoạt động

Đền thờ Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều tại Di tích quốc gia đặc biệt Gò Tháp

Nhân dân ta vẫn luôn tưởng nhớ những người đã đóng góp máu xương cho Tổ quốc với lòng biết ơn, sự kính trọng lớn lao, bằng những hành động cụ thể, thiết thực. Ðất nước ta ngày càng có nhiều những khu di tích, khu tưởng niệm, đền thờ vị anh hùng dân tộc lưu giữ lại những hình ảnh hào hùng của quá khứ, gắn liền với lịch sử dân tộc. Đền thờ vị anh hùng dân tộc Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều (Khu di tích Gò Tháp – xã Tân Kiều huyện Tháp Mười tỉnh Đồng Tháp) là một trong những địa chỉ như thế.

Ngôi đền trước đây rất đơn sơ, được xây dựng bằng tre lá. Ngôi đền là nơi nhân dân dựng lên cạnh ngôi mộ để tưởng nhớ Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều sau khi cụ qua đời. Đến năm 1991, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp đã xây dựng lại đền thờ khang trang, kiên cố để tưởng nhớ công ơn của anh hùng dân tộc Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều. Đền thờ có diện tích khoảng 130m2, nằm trên một nền cao 0,6m.Đền được xây dựng theo lối kiến trúc dân gian truyền thống Nam bộ. Bên trong chính giữa đền là bàn thờ Cửu huyền trăm họ, hai bên là hai bàn thờ Tả ban và Hữu ban. Chính điện bên trong là bàn thờ của Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều cùng với tượng thờ làm bằng đồng, được đúc nhân kỷ niệm 140 ngày mất của Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều. Phía trước ngôi đền có cụm tượng Thiên hộ Võ Duy Dương và Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều do nhà điêu khắc Nguyễn Oanh thực hiện vào năm 1995.

Description: C:\Users\Danh\Desktop\Hinh-1.gif

Học sinh về nguồn, ôn lại truyền thống lịch sử tại đền thờ Đốc binh Kiều

Theo lịch sử, Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều còn có tên gọi Lê Công Kiều, Trần Phú Kiều…. nhân dân địa phương cung kính gọi ông là Quan Lớn Thượng. Ông là người miền Trung hưởng ứng chính sách khai hoang của triều đình nhà Nguyễn đã vào Nam lập nghiệp ở huyện Kiến Đăng, tỉnh Định Tường.

Năm 1859, khi Thực dân Pháp tấn công thành Gia Định, ông về thành Gia Định đầu quân triều đình để chống giặc. Do giỏi võ và có tài tổ chức nên ông được giao quyền chỉ huy một đội quân dân dũng đánh giặc. Năm 1861, khi đại đồn Chí Hòa bị thất thủ, ông đem quân về lại huyện Kiến Đăng xây dựng căn cứ, để tiếp tục chiến đấu. Khi hay tin Thiên hộ Võ Duy Dương lập căn cứ chống Pháp ở Bình Cách, ông đem cánh quân của mình đầu quân dưới trướng Thiên Hộ Dương và được Thiên hộ Dương phong chức Đốc binh. Từ đây ông trở thành phó tướng và là người tham mưu đắc lực của Thiên hộ Võ Duy Dương.

Năm 1864, quân Pháp liên tục tấn công làm cho nghĩa quân chống Pháp gây nhiều thiệt hại. Để củng cố lực lượng phục vụ cho cuộc chiến đấu lâu dài, ông đã tham mưu Thiên hộ Dương rút về Đồng Tháp Mười để xây dựng căn cứ, chuẩn bị lực lượng chiến đấu lâu dài với Pháp. Tại Đồng Tháp Mười, ông cùng lãnh binh Trần Trọng Khiêm xây dựng đồn lũy làm căn cứ và đặt đại bản doanh tại Gò Tháp. Để bảo vệ Đại đồn Gò Tháp, ở vòng ngoài có đồn Hữu và đồn Tả, đồn Tiền nằm trên các con đường dẫn vào Đại đồn Gò Tháp. Đốc binh Kiều được Thiên hộ Dương phân công chỉ huy đồn Tả, chịu trách nhiệm ngăn giặc không cho quân Pháp tiến vào Đại đồn Gò Tháp từ phía Cai Lậy, Cái Bè tiến vào.

Description: C:\Users\Danh\Desktop\Hinh-2.gif

Quang cảnh đền thờ Đốc Binh Nguyễn Tấn Kiều ngày lễ hội 

Tháng 4 năm 1866, Thực dân Pháp đã tập trung tấn công nhiều mặt vào Đồng Tháp Mười, các đồn tiền của căn cứ Tháp Mười lần lượt rơi vào tay địch. Riêng ở đồn Tả, Đốc binh Kiều cùng nghĩa quân chống trả, đã đẩy lùi được nhiều đợt tấn công của địch. Trong một trận đánh với địch, Đốc binh Kiều trực tiếp lên đài chỉ huy nghĩa quân chống giặc, chẳng may ông bị địch bắn trọng thương, nghĩa quân đã đưa ông về điều trị tại gò Giồng Dung (Tân Thạnh – Long An ngày nay) nhưng do vết thương qua nặng cùng với việc buồn rầu vì căn cứ chống Pháp bị mất, ông đã qua đời trong năm 1866. Nhân dân đã an táng ông tại Đại bản doanh Gò Tháp.

Để tưởng nhớ công của Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều, hằng năm, Nhân dân trong vùng chọn ngày 14, 15, 16 tháng 11 âm lịch làm lễ giỗ cụ. Mỗi kỳ lễ hội thu hút hàng trăm nghìn du khách gần xa về đây dự. Lễ giỗ của cụ đã trở thành hoạt động truyền thống văn hóa, là lễ hội thường niên tại Khu di tích Gò Tháp. Đền thờ nằm trong quần thể các di tích ở Gò Tháp đã được Thủ tướng chính phủ xếp hạng là “Di tích cấp quốc gia đặc biệt” vào ngày 27/9/2012.

Đền thờ Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều ở Khu di tích Gò Tháp là một công trình tín ngưỡng với kiến trúc mang phong cách truyền thống, uy nghiêm, nhiều ý nghĩa, giá trị về lịch sử văn hóa được xây dựng tại nơi từng là đại bản doanh chiến đấu chống ngoại xâm của Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều dưới sự lãnh đạo của Thiên hộ Võ Duy Dương. Đền thờ là nơi tri ân, nhắc nhở các thế hệ người Việt nhớ đến đạo lý: “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây; Uống nước nhớ nguồn trong truyền thống văn hóa của dân tộc Việt Nam nói chung, của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Đồng Tháp nói riêng. Bên cạnh đó, Đền thờ là nơi để ôn lại lịch sử, chủ nghĩa yêu nước, truyền thống đấu tranh bất khuất của dân tộc ta mà tiêu biểu là sự nghiệp đấu tranh chống thực dân Pháp của vị anh hùng dân tộc Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

          1. Ban chấp hành Đảng bộ huyện Tháp Mười 2008. Lịch sử truyền thống cách mạng huyện Tháp Mười (1930-2000).

          2. Ban tuyên giáo Tỉnh ủy Đồng Tháp 2015, Đồng Tháp Nhân vật chí, tái bản lần thứ nhất, tr.220-2021

3. Phạm Thị Huyền Trinh 2016, “Thân thế và sự nghiệp Thiên hộ Dương” in trong Gò Tháp – Di tích quốc gia đặc biệt, tái bản lần thứ nhất có sửa chữa, bổ sung, Nxb. Văn hóa – Văn nghệ, tr.153-156.

4. http//vi.wikipedia.org/wiki/ Đốc_ Binh _Kiều.

          Lương Thị Dợn