Xuất bản thông tin

null Công trình tưởng niệm anh hùng dân tộc Thiên hộ Võ Duy Dương tại di tích quốc gia đặc biệt Gò Tháp

Trang chủ Tin hoạt động

Công trình tưởng niệm anh hùng dân tộc Thiên hộ Võ Duy Dương tại di tích quốc gia đặc biệt Gò Tháp

Bên cạnh các giá trị văn hóa khảo cổ, tâm linh, tín ngưỡng, di tích Quốc gia đặc biệt Gò Tháp còn có trang sử vàng son trong cuộc đấu tranh chống giặc giữ nước, trong đó nổi bật nhất là cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp vào nửa cuối thế kỷ XIX của hai vị anh hùng dân tộc Thiên hộ Võ Duy Dương và Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều. Để ghi nhớ công ơn của hai vị anh hùng dân tộc, đền thờ của hai vị anh hùng đã được xây dựng ở di tích Quốc gia đặc biệt Gò Tháp nhằm đáp ứng nhu cầu cúng viếng của nhân dân trong và ngoài Tỉnh. Trong đó, công trình đền thờ Thiên hộ Võ Duy Dương đã được lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp quan tâm đầu tư xây dựng mới để làm nơi để thờ cúng vị chủ tướng đã lãnh đạo nhân dân Đồng Tháp Mười làm nên những chiến công oanh liệt gây cho thực dân Pháp không ít tổn thất nặng nề, làm rạng danh đất và người Đồng Tháp Mười anh hùng vào cuối thế kỷ XIX.

Thiên hộ Võ Duy Dương sinh năm 1827 quê ở thôn Cù Lâm Nam, thuộc phủ Tuy Viễn, trấn Bình Định (nay là thôn Nam Tượng, xã  Nhơn Tân, huyện An Nhơn, Bình Định). Ông là người khỏe mạnh và giỏi võ nghệ, trong một kỳ thi võ ông cử 1 lúc 5 trái linh (mỗi trái nặng 60 cân) nên còn được gọi là Ngũ linh Dương.

Năm 1857, ông cùng bạn bè hưởng ứng chính sách khai hoang của nhà Nguyễn, vượt biển vào Nam tìm đến đất Ba Giồng, ven Đồng Tháp Mười (nay thuộc địa bàn huyện Châu Thành, Cai Lậy, Cái Bè tỉnh Tiền Giang) để chiêu dân, khai hoang, lập ấp. Tháng 2 năm 1859, khi thực dân Pháp nổ súng tấn công thành Gia Định, ông cùng thủ khoa Nguyễn Hữu Huân chiêu mộ nông dân lập đội quân nghĩa dũng kéo về Thành Gia Định để cùng triều đinh đánh thực dân Pháp. Thành Gia Định thất thủ, quân triều đình rút về Biên Hòa. Ông vượt biển về kinh, bái yết vua Tự Đức hiến kế đuổi giặc. Lúc bấy giờ, triều đình chưa có đối sách dứt khoát đối với thực dân Pháp, nên tạm thời điều ông về Quảng Nam dẹp cuộc nổi loạn của người Thạch Bích (mọi Vách Đá) mà quan quân địa phương không tiểu trừ đươc. Ông hoàn thành nhiệm vụ và được phong hàm Chánh bát phẩm Thiên hộ vào năm 1860.

Tháng 5 năm 1861, ông được sung vào phái bộ của Khâm phái quân vụ Đỗ Thúc Tịnh vào Nam với nhiệm vụ chiêu mộ nghĩa dũng đánh thực dân Pháp. Trong một thời gian ngắn, ông mộ được gần 1000 nghĩa dõng. Ông đóng quân ở Bình Cách liên kết với Trương Định ở Gò Công, Trần Xuân Hòa ở Thuộc Nhiêu tổ chức đánh địch, gây nhiều thiệt hại. Ông còn phối hợp với Đỗ Thúc Tịnh xây dựng Tân Thành Mỹ Quý để đánh địch, chia cắt lực lượng địch trong tỉnh Định Tường.

Năm 1862, Triều đình Huế ký với Pháp hòa ước Nhâm Tuất (1862) nhường ba tỉnh Biên Hoà, Gia Định, Định Tường cho Thực dân Pháp, buộc nghĩa quân phải giải giáp và rút ra khỏi ba tỉnh miền Đông. Trước tình hình đó, Nhân dân Nam kỳ đã tôn Trương Định làm Bình Tây đại nguyên soái lãnh đạo nhân dân chống thực dân Pháp. Trong hàng ngũ của nghĩa quân, Võ Duy Dương được phong làm Chánh đề đốc. Cuối năm 1862, lực lượng nghĩa quân Bình Tây đại nguyên soái phát triển mạnh, liên tục tấn công địch làm chúng kinh hoàng.  Đầu năm 1863, nhờ có thêm viện binh, Thực dân Pháp tập trung quân đánh bật Trương Định ra khỏi căn cứ Tân Hoà (Gò Công) và liên tục  tấn công nghĩa quân Thiên hộ Dương.

Năm 1864, sau khi Bình Tây đại nguyên soái Trương Định hy sinh, Thiên hộ Võ Duy Dương đã chọn Gò Tháp làm căn cứ cho cuộc kháng chiến của nhân dân Đồng Tháp Mười chống lại sự xâm lược của thực dân Pháp. Với tài trí thao lược của mình cùng với sự giúp sức đắc lực của Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều và lãnh binh Trần Trọng Khiêm cùng các tướng lĩnh, Thiên hộ Võ Duy Dương đã nhanh chóng xây dựng căn cứ Gò Tháp trở thành một đại bản doanh của cuộc kháng chiến chống Pháp, đưa cuộc chiến đấu chính nghĩa của ông trở thành ngọn cờ đầu trong cuộc đấu tranh bảo vệ đất nước của nhân dân ta ở Nam bộ. Đại bản doanh Gò Tháp đã trở thành là một điểm sáng trong bức tranh lịch sử chống thực dân Pháp nửa cuối thế kỷ XIX. Dưới sự lãnh đạo của ông nhân dân Đồng Tháp Mười đã nêu cao truyền thống kiên trung bất khuất, chống giặc giữ nước của người dân Nam bộ tiếp nối tinh thần chống ngoại xâm của Bình Tây Đại nguyên soái Trương Định.

Trước sự lớn mạnh của nghĩa quân, tháng 4 năm 1866, Thống đốc Nam kỳ De Lagrandière cho tập trung quân tấn công vào căn cứ Đồng Tháp Mười. Sau gần mười ngày chiến đấu với quân Phấp, nghĩa quân của Thiên hộ Võ Duy Dương đã mất một số tiền đồn, quân Pháp cũng bị tiêu hao một số lớn binh lính. Để bảo tồn lực lượng, Thiên hộ Dương ra lệnh bỏ đại đồn Tháp Mười, rút lui về biên giới Đại Nam – Cao Miên. Tại đây, ông liên kết với nghĩa quân của Trương Quyền và nghĩa quân Campuchia Pucompo, tấn công đồn Tây Ninh gây cho giặc một số thiệt hại đáng kể. Trước sự lớn mạnh của liên quân chống Pháp Việt – Cao Miên, thực dân Pháp buộc triều đình Huế ra chỉ dụ truy nã ông. Khi bị triều đình truy nã, Thiên hộ Dương cho người mang dâng sớ kín cho vua Tự Đức. Tháng 11, ông vượt biển về Kinh, đến cửa Thần Mẫu (Cần Giờ), bất ngờ gặp nạn và qua đời.

Tình cảm và sự ngưỡng mộ đối với sự nghiệp chống giặc giữ nước của Thiên hộ Võ Duy Dương luôn sâu nặng trong lòng người dân Đồng Tháp Mười. Để tưởng nhớ đến công lao to lớn của ông, năm 1991, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp đã phối thờ Thiên hộ Võ Duy Dương tại đền thờ Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều ở Khu di tích Gò Tháp. Ngày rằm tháng 11 âm lịch hàng năm để làm lễ tưởng niệm ngày mất của hai vị anh hùng. Lễ tưởng niệm này đã trở thành lễ hội truyền thống hàng năm tại Khu di tích Gò Tháp được tổ chức với quy mô cấp Tỉnh. Mỗi kỳ lễ hội thu hút từ 400 đến 500 ngàn lượt khách đến tham quan, cúng viếng. Lễ hội rằm tháng 11 âm lịch tại Khu di tích Gò Tháp đã trở thành hoạt động văn hóa có sức thu hút mạnh mẽ, là hoạt động văn hóa tâm linh không thể thiếu của quần chúng nhân dân trong và ngoài Tỉnh.

Description: C:\Users\Danh\Desktop\ANH-1.gif

Đền thờ và tượng đài Thiên hộ Võ Duy Dương tại di tích quốc gia đặc biệt Gò Tháp

Năm 2014, với mong muốn thể hiện lòng biết ơn và tôn vinh công lao vị anh hùng dân tộc Võ Duy Dương và để đáp ứng nhu cầu tâm linh, nhu cầu cúng viếng của khách hành hương khi đến với lễ hội Gò Tháp ngày càng đông. Đền thờ Thiên hộ Võ Duy Dương đã được khởi công xây dựng tại Khu di tích Gò Tháp. Đền thờ Thiên hộ Võ Duy Dương là hạng mục công trình nằm trong Dự án “Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hóa và khảo cổ Gò Tháp” đã được sự chấp thuận của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và được Ủy ban nhân dân Tỉnh phê duyệt vào năm 2009. Đền thờ được khởi công xây dựng trong hai năm. Đến năm 2016, đền thờ đã khánh thành đưa vào sử dụng vào đúng dịp tưởng niệm 150 năm ngày mất hai vị anh hùng dân tộc Thiên hộ Võ Duy Dương và Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều.

Đền thờ Thiên hộ Võ Duy Dương có diện tích tổng thể là 4.400 m­­2,  trong đó, đền thờ chính có diện tích là 644 m2, hai bên có nhà tả vu, hữu vu, có cổng, tường rào, sân hành lễ, hệ thống điện chiếu sáng, cây xanh,.... Bên trong đền thờ, chính giữa là bàn thờ chánh điện có đặt tượng đồng bán thân của cụ Thiên Hộ Dương trong khánh thờ bằng gỗ chạm tứ linh sơn son thiếp vàng. Ngoài ra, còn có bàn thờ Tả ban, Hữu ban; bàn thờ các vị tướng lĩnh, bàn thờ Tiền hiền, Hậu hiền; bàn thờ Cửu huyền trăm họ; bàn thờ Bác Hồ và bàn thờ các tướng lãnh nghĩa quân của cụ Thiên Hộ Dương. Đặc biệt, trong dịp tưởng niệm lần thứ lần thứ 154 ngày mất của cụ (năm 2020), Uỷ ban nhân dân Tỉnh đã khánh thành tượng Thiên hộ Võ Duy Dương tại đền thờ Thiên hộ Võ Duy Dương. Đây là tượng toàn thân, bằng đồng đầu tiên trong tỉnh Đồng Tháp, có trọng lượng 3,5 tấn, với kinh phí là 4,1 tỷ đồng từ nguồn kinh phí địa phương và vốn xã hội hóa.

Description: C:\Users\Danh\Desktop\ANH-2.gif

Quang cảnh đền thờ Thiên hộ Võ Duy Dương ngày lễ hội

Đền thờ Thiên hộ Võ Duy Dương ở Khu di tích Gò Tháp là một công trình kiến trúc mang phong cách truyền thống, hoành tráng mà uy nghiêm mang  nhiều ý nghĩa và giá trị về lịch sử văn hóa được xây dựng tại Gò Tháp, nơi từng là đại bảnh doanh của Thiên hộ Võ Duy Dương. Đền thờ là nơi để ôn lại lịch sử, chủ nghĩa yêu nước, truyền thống đấu tranh bất khuất của dân tộc ta mà sự nghiệp đấu tranh chống thực dân Pháp của Thiên hộ Võ Duy Dương là một dấu son chói lọi. Qua đó nâng cao ý thức, lòng tự hào dân tộc, đề cao ý nghĩa lịch sử từ buổi đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc ta ở Nam bộ. Đền thờ Thiên hộ Võ Duy Dương cùng với các di tích lịch sử, văn hóa khảo cổ, tâm linh, tín ngưỡng trong Khu di tích Gò Tháp đã trở thành điểm tham quan, cúng viếng cho du khách mỗi khi đến Khu di tích Quốc gia đặc biệt Gò Tháp.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

          1. Ban chấp hành Đảng bộ huyện Tháp Mười 2008, Lịch sử truyền thống cách mạng huyện Tháp Mười (1930-2000).

          2. Ban tuyên giáo Tỉnh ủy Đồng Tháp 2015, Đồng Tháp Nhân vật chí, tái bản lần thứ nhất, tr.111-112.

3. Văn Công Khánh 2016, “Thân thế và sự nghiệp Thiên hộ Dương” in trong Gò Tháp – Di tích quốc gia đặc biệt, tái bản lần thứ nhất có sửa chữa, bổ sung, Nxb. Văn hóa – Văn nghệ, tr.147-151.

         

Phùng Quốc Danh