Xuất bản thông tin

null Thái tử Phù Nam ở Gò Tháp qua tư liệu khảo cổ học và thư tịch cổ Trung Hoa

Chi tiết bài viết Tin hoạt động

Thái tử Phù Nam ở Gò Tháp qua tư liệu khảo cổ học và thư tịch cổ Trung Hoa

Những ghi nhận sớm nhất về di sản văn hóa Óc Eo ở Khu di tích Gò Tháp là vào những năm 1881. Khi Đại úy Silvestre - một viên thanh tra người Pháp làm việc tại địa hạt Sadec phát hiện được một bánh xe bằng đá và dấu tích phần móng của một ngôi tháp cổ ở Prasat Pream Loven (tên gọi của Khu di tích Gò Tháp lúc đó). Ông đã thông báo phát hiện của mình trên tạp san của Hội Địa lý học Rodnefort (Võ Sĩ Khải, 2018, tr.12). Sau đó, các nhà khảo cổ học người Pháp đã đến khảo sát và tìm được ở đây tám bản bia ký. Minh văn trên tám bản bia ký đó đã được nghiên cứu và dịch ra tiếng Việt. Bản minh văn trên bia ký mang ký hiệu K5 được xem là quan trọng nhất, hiện đang trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Tp. Hồ Chí Minh. Qua 22 dòng với 12 khổ thơ chữ Phạn cổ của bia ký K5 cho biết vua Phù Nam Jayavarman đã cử Thái tử con mình tên là Gunavarman đến cai quản “xứ sở sùng đạo được chinh phục từ đầm lầy” và việc vị thái tử này dâng cúng hai bàn chân thần Vishnu để cầu mong sự bảo vệ của thần cho xứ sở của Ngài.

Thái tử Phù Nam Gunavarman tuy không được ghi chép trong các thư tịch cổ nhưng thông qua nội dung của bia ký K5, chúng ta biết đến vị Thái tử này. Thái tử được mô tả trong bia ký là một người có “tâm hồn cao thượng và trí thông minh ... dù còn nhỏ tuổi, đã được chỉ định lãnh đạo một địa phương sùng đạo chinh phục trên bùn lầy, nhờ Ngài là người có đạo đức và phẩm hạnh (Lê Hương 1970, tr.44-47).

Nội dung bia ký cũng nói rõ Thái tử là con của vua Phù Nam Jayvarman và hoàng hậu Kulaprabhavati. Qua ghi chép trong Lương Thư (một quyển sách sử cổ của Trung Hoa) cho biết: vua Jayavarman làm vua nước Phù Nam trong khoảng thời gian từ năm 470 – 513 và được vua Lương Võ Đế (502 – 557) phong “An Nam tướng quân Phù Nam vương” vào năm 503 (Paul Pelliot 190, tr.21). Như vậy, qua thông tin về vua Phù Nam Jayvarman có thể suy luận rằng: Thái tử Phù Nam Gunavarman được sinh ra và lớn lên  trong nửa cuối thể kỷ thứ V đầu thế kỷ thứ VI.         

Bia ký mang ký hiệu K5

(đang trưng bày ở Bảo tàng lịch sử Tp.Hồ Chí Minh)

Các kết quả nghiên cứu tư liệu về niên đại trong các đợt khai quật khảo cổ học đã cho biết Gò Tháp đã được cư dân văn hóa Óc Eo khai hoang từ rất sớm (khoảng thế kỷ II trước Công nguyên) nhưng có thể chính sách quản lý của vương quốc Phù Nam vẫn chưa được thiết lập một các chặt chẽ ở nơi đây. Vì vậy, vua Jayvarman đã cử con trai của mình đến cai quản Gò Tháp với mục đích là cho con trai của mình rèn luyện kinh nghiệm chính trường từ việc cọ sát với thần dân trong một vùng đất mới của riêng mình. Có lẽ đức vua Jayvarman đã sớm chọn thái tử Gunavarman làm người kế vị ngai vàng sau này.

          Biến cố xảy ra vào năm 514, khi vua Jayavarman băng hà thì một người anh cùng cha khác mẹ với thái tử Gunavarman tên là Rudravarman (con của vua Jayavarman và thứ phi) đã giết thái tử Gunavarman để chiếm ngôi báu. Sau cái chết của Đức vua, Hoàng hậu Kulaprabhavati rất đau buồn và bà đã rời bỏ hoàng cung để đi tu tại một ngôi đền ở TaKeo (phía Tây Nam của vương quốc Campuchia ngày nay). Người ta đã tìm thấy ở TaKeo một bia ký nói về bà, trên đó có đoạn ghi: “Chánh cung của quốc vương Jayavarman ... với tâm tư trĩu nặng vì những kết quả không hay của việc làm ... dù có điều vui vẻ nhưng thiếu điều hạnh phúc ... đã ý thức được rằng việc thụ hưởng hạnh phúc chóng tàn như bọt nước ... (bà đã xây cất) một tu viện có hồ nước và một tư thất ...” (Lê Hương 1970, tr.50-51).

Đến năm 550, một người thuộc phe Thái tử Phù NamGunavarman chiếm kinh đô Đặc Mục (Vyadhapura) giết vua Rudravarman tự lập lên làm vua. Nhân cơ hội này, với danh nghĩa trả thù cho vua Rudravaman, vua Chân Lạp tên là Bhavavarman (vốn là một người cháu của vua Rudravaman, sau khi cưới công chúa Chân Lạp và trở thành vua nước này) đã tiến đánh và chiếm kinh đô Vyadhapura. Vua Phù Nam phải chạy xuống phía Nam, lập triều đình lưu vong tại Na Phất Na (ngày nay thuộc thị trấn Óc Eo, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang) (Trần Đức Cường (chủ biên) 2016, tr.75). Đến năm 627, kinh đô Na Phất Na thất thủ, vương quốc Phù Nam bị diệt vong.

Minh văn được khắc trên bia ký K5

Cuộc đời của vị Thái tử Phù Nam Gunavarman ở Gò Tháp là một mảnh ghép lịch sử quan trọng trong bức tranh lịch sử vương quốc Phù Nam nửa đầu thế kỷ thứ VI A.D. Ngài đến cai quản vùng đất Gò Tháp là một mốc son trong tiến trình lịch sử của Gò Tháp, là bước ngoặt quan trọng trong công cuộc xây dựng Gò Tháp trở thành một trong ba tiểu quốc thuộc Vương quốc Phù Nam ở Nam bộ. Ngài xứng đáng được ghi nhận như là một vị “Tiền hiền” đầu tiên của vùng đất Gò Tháp.

Đối với sự cố Thái tử Phù Nam Gunavarman bị người anh trai giết chết để chiếm ngai vàng dẫn đến một sự tranh giành quyền lực trong nội bộ chính quyền nước Phù Nam. Đây chính là một trong những nguyên nhân sâu xa đẩy nước Phù Nam lâm vào tình trạng khủng hoảng chính trị, dẫn đến suy vong và diệt vong./.

  TÀI LIỆU THAM KHẢO

          1. Paul.Pelliot (1903), Le Fou Nan (Nước Phù Nam), Bản dịch tiếng Việt của Lê Thước năm1993, Tư liệu cá nhân.

          2. Trần Đức Cường (chủ biên) (2016), Lịch sử hình thành và phát triển vùng đất Nam bộ (từ khởi thủy đến năm 1945), Nxb. Khoa học Xã hội.

          3. Lê Hương 1970, Sử liệu Phù Nam, nhà in Đoàn Viên, Sài Gòn.

  4. Võ Sĩ Khải, 2018. Kiến trúc trong văn hóa Óc Eo – Hậu Óc Eo ở Nam bộ, Nxb. Khoa học Xã hội.

Tác giả: Phùng Quốc Danh