Xuất bản thông tin

null Hình ảnh hoa sen trên cổ vật ở Khu di tích Gò Tháp

Chi tiết bài viết Tin hoạt động

Hình ảnh hoa sen trên cổ vật ở Khu di tích Gò Tháp

Sen vốn là loài cây bản địa đặc trưng của vùng Đồng Tháp Mười, trong đó có Gò Tháp. Hình ảnh loài hoa thanh tao, có hương lẫn sắc. Hoa sen luôn là nguồn cảm hứng cho các đề tài của thi ca, hội họa và trang trí. Đã từ lâu, khi nhắc tới Đồng Tháp người ta nghĩ ngay đến hoa sen, loài hoa với vẻ đẹp thuần khiết của nó đã đi vào lòng người qua hai câu thơ của nhà thơ Bảo Định Giang “Tháp Mười đẹp nhất bông sen, Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ”. Hình ảnh hoa sen vừa quen thuộc vừa gần gũi, đã ăn sâu vào đời sống tinh thần của bao thế hệ người Đồng Tháp trong đó có những cư dân đầu tiên của “đất Sen hồng” từ hơn ngàn năm trước.

Qua bàn tay khéo léo của các nghệ nhân ở Gò Tháp xưa, hình ảnh hoa sen được khắc họa hết sức tinh xảo và mềm mại trên các cổ vật thuộc nền văn hóa Óc Eo được tìm thấy Khu di tích Gò Tháp. Hình ảnh hoa sen được trang trí trên các cổ vật làm cho các cổ vật này vừa sang trọng nhưng lại vừa gần gũi đối với người xem.

Description: C:\Users\pc\Desktop\1aa.gif

Hình ảnh hoa sen được chạm khắc trên lá vàng

Nguồn: Tư liệu Bảo tàng tỉnh Đồng Tháp

Trong nghệ thuật tôn giáo, hình ảnh hoa sen xuất hiện trên các lá vàng được các nhà khảo cổ tìm thấy trong trụ giới (seima) của các di tích kiến trúc đền thần Hindu giáo ở Gò Tháp. Hoa sen được chạm khắc trên lá vàng được xem như những vật thiêng mang ý nghĩa là biểu tượng của nữ thần Laskmi là vợ của thần Vishnu, là thần của sự giàu có, thịnh vượng, vận may và sắc đẹp. Hoa sen được chạm, khắc tuy không tỷ mỹ và rõ nét nhưng cũng thấy được hình ảnh hoa sen đang nở rộ với các cánh hoa xòe ra. Ở giữa đóa hoa là nhụy hoa, bên trong nhụy hoa còn thấy rõ những hạt sen non. Ngoài giá trị về mỹ thuật, những hiện vật này còn là những minh chứng cho sự ảnh hưởng của nghệ thuật tượng thờ thời kỳ phi thánh tượng của văn hóa Ấn Độ trong văn hóa Óc Eo. Theo đó, hình tượng các vị thần được thể hiện thông qua các hình ảnh chạm khắc các biểu tượng gồm các pháp bảo, vật cưỡi,… của thần trên vàng lá.

Description: C:\Users\pc\Desktop\1-.gif

Hình ảnh hoa sen cổ vật bằng gốm

Nguồn: Tư liệu Ban Quản lý Khu di tích Gò Tháp

Hoa sen cũng xuất hiện trong đời sống sinh hoạt của cư dân Gò Tháp xưa. Họ đã sử dụng các cánh hoa sen để trang trí trên các nắp nồi gốm. Những cánh hoa sen được các nghệ nhân gốm Óc Eo sử dụng như một dãy hoa văn. Quan sát trên một khuôn in hoa văn dùng để in hoa văn trên các nắp đồ gốm, các cánh hoa được xếp thành một băng trang trí trên bề mặt nắp nồi gốm. Cánh hoa được xếp thành hai lớp chồng lên nhau sẽ làm cho nắp gốm khi được in hoa văn xong sẽ trông như một bông hoa đang nở rộ theo góc nhìn một đóa hoa sen từ phía trên xuống.

Trong nghệ thuật trang trí kiến trúc, hình ảnh hoa sen đặc sắc nhất được thể hiện trên diềm ngói (là phần trang trí gắn thêm vào đầu của ngói ống dùng để lợp ở phần diềm mái của kiến trúc) tìm được trong đợt khai quật di tích cư trú chân Gò Minh Sư năm 2013. Hoa sen được trang trí trên diềm ngói là đóa hoa sen đang nở rộ theo góc nhìn trực diện, tả thực với cánh hoa và đài hoa rõ ràng. Hoa sen được thể hiện có có 11 cánh gồm có 5 cánh phía trước được thể hiện rõ; 4 cánh phía sau được thể hiện bằng phần đầu nhọn của cánh, xuất hiện xen kẻ với các cánh phía trước; 2 cánh còn lại xòe xuống phía đài hoa, canh hoa được thể hiện dài, cong và mỏng, phần đầu cánh hướng thẳng lên trên.

Description: C:\Users\pc\Desktop\3.gif

Hình ảnh hoa sen trên diềm ngói

Nguồn: Tư liệu Ban Quản lý Khu di tích Gò Tháp

Hình ảnh hoa sen được cư dân văn hóa Óc Eo ở Gò Tháp khai thác và phản ánh dưới nhiều góc độ, bố cục khác nhau trên các cổ vật. Ngắm hoa sen trên các cổ vật ở Gò Tháp, chúng ta còn thấy được phần nào về tư duy và thẩm mỹ trong nghệ thuật trang trí của người Phù Nam sống cách nay hơn ngàn năm về trước.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Đặng Văn Thắng, Võ Thị Huỳnh Như, Hà Thị Sương 2014, Báo cáo khai quật di tích cư trú chân Gò Minh Sư, đợt 01 năm 2013, Tư liệu Ban Quản lý Khu di tích Gò Tháp.

2. Đặng Văn Thắng, Nguyễn Hữu Lý 2015. Thần Vishnu trong văn hóa Óc Eo. Tạp chí Khảo cổ học, số 4/ 2015, tr.69-78.

3. Phùng Quốc Danh (2017), “Những giải thích mới về di sản kiến trúc thời văn hóa Óc Eo ở Gò Tháp”, Tạp chí Đồng Tháp xưa và nay, tập 57, Nxb. Văn hóa – Văn nghệ, tr.36-38.

Tác giả: Phùng Quốc Danh