Xuất bản thông tin

NÉT ĐẸP VĂN HÓA CỦA LỄ HỘI VÍA BÀ CHÚA XỨ Ở KHU DI TÍCH GÒ THÁP

Trang chủ Tin hoạt động

NÉT ĐẸP VĂN HÓA CỦA LỄ HỘI VÍA BÀ CHÚA XỨ Ở KHU DI TÍCH GÒ THÁP

Thờ Bà Chúa Xứ là tín ngưỡng dân gian của người Việt đã có từ lâu đời, là một biểu hiện cụ thể của tín ngưỡng thờ Mẫu nói chung. Bà Chúa Xứ là hiện sinh của vị Mẫu thần, biểu hiện to lớn về khát vọng tìm kiếm sự che chở, bảo bọc cho cuộc sống bình yên của người dân địa phương. Từ ý nghĩa đó, tại Khu di tích Gò Tháp, miếu Bà Chúa Xứ được người dân xây dựng từ những ngày đầu khai hoang lập ấp và lấy ngày rằm tháng 3 âm lịch hàng năm làm ngày Vía Bà Chúa Xứ.

Thực tế cho thấy, từ tín ngưỡng thờ Bà Chúa Xứ, người dân Gò Tháp đã lập miếu thờ Bà và hàng năm tổ chức lễ Vía long trọng. Người dân đến lễ hội với cả lòng thành kính, tin tưởng vào một thế giới siêu nhiên mà ở đó, Bà Chúa Xứ luôn lắng nghe và phù hộ cho họ. Yếu tố tâm linh, tính thiêng còn thấy rõ trong việc du khách đến miếu Bà trong ngày Vía Bà ngày càng nhiều. Mọi người truyền nhau về việc xin gì được nấy đã gây sự tò mò và thu hút càng nhiều khách đến để cầu nguyện. Chính niềm tin này dẫn đến việc niềm tin vào Bà Chúa Xứ Gò Tháp và lượng khách đến miếu Bà không bao giờ suy giảm.

Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Gò Tháp là một sinh hoạt tín ngưỡng dân gian đã trở thành thông lệ và có phạm vi tác động rộng lớn, lan xa, thỏa mãn nhu cầu tâm linh, củng cố đức tin trong cuộc sống, làm phong phú thêm đời sống tinh thần của con người.

Ngày Vía Bà Chúa Xứ Gò Tháp dần dần trở thành ngày lễ hội truyền thống quan trọng tại Khu di tích Gò Tháp. Mỗi kỳ lễ hội có hàng trăm nghìn lượt khách đến tham quan, cúng viếng. Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Gò Tháp có phần nghi thức cúng lễ như các lễ Vía Bà Chúa Xứ ở Nam bộ. Ngoài phần lễ cúng chính là cúng Bà Chúa Xứ vào đêm ngày 15, rạng sáng ngày 16 tháng 3 âm lịch thì Ban Hội hương Gò Tháp còn cử hành một số lễ khác như: Lễ tắm Bà, Lễ cầu an cúng Thần nông, Lễ thỉnh sanh. Phần hội của lễ hội Vía Bà Chúa Xứ cũng đậm nét văn hóa dân gian với các hoạt động văn hóa, thể thao và nghệ thuật phục vụ miễn phí cho người dân tham gia lễ hội. Các hoạt động tưng bừng của phần hội đã làm cho con người dường như quên đi những vất vả, bon chen của cuộc sống đời thường để tìm đến với nhau bằng sự gắn bó, đồng cảm, hướng về cái thiện trong cuộc sống.

Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Gò Tháp vừa để thỏa mãn nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng đồng thời cũng là dịp để người dân vui chơi, giải trí sau những ngày tháng lao động mệt nhọc. Nó không chỉ dừng lại ở nét văn hóa tâm linh mà còn mà là dịp để du khách có thể còn tận mắt chứng kiến các di tích lịch sử, khảo cổ ở Khu di tích Gò Tháp, để những giá trị độc đáo của di sản văn hóa đó được lan tỏa đến rộng hơn, xa hơn, góp phần bảo tồn và phát huy di sản văn hóa của địa phương. Vào những ngày lễ hội, không chỉ tại Miếu Bà Chúa Xứ mà tại đền thờ Thiên hộ Võ Duy Dương và đền thờ Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều cũng trở nên rộn ràng, náo nhiệt. Khách thập phương nối gót nhau đến đền viếng Bà Chúa Xứ cùng hai vị anh hùng dân tộc, thắp hương, tưởng nhớ các bậc tiền nhân.

Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Gò Tháp là sinh hoạt văn hóa tinh thần độc đáo được trao truyền qua các thế hệ, là sự biểu dương các giá trị văn hóa tâm linh, sức mạnh của cộng đồng và cũng là chất kết dính tạo nên sự cố kết cộng đồng người Việt ở Nam bộ.  Đây chính nét độc đáo mỗi khi nói đến Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Gò Tháp hàng năm là sự chia sẻ, đồng hành của bà con khắp nơi từ vật chất đến công sức. Tất cả vì thành công của Lễ hội với một lòng hướng người mẹ xứ sở. Ai cũng mong muốn hòa vào không khí trang trọng, thiêng liêng của phần lễ; sự náo nhiệt, vui tươi của phần hội bằng tất cả niềm vui và lòng tôn kính đối. Bằng nhiều hình thức khác nhau, người đi hội từ khắp nơi mang về cúng Bà Chúa Xứ bằng những sản vật mà họ có. Thông qua đó, họ muốn thể hiện tấm lòng của mình đối với người mẹ xứ sở. Hoặc có người tình nguyện, thay nhau dọn dẹp, chế biến, tiếp đãi miễn phí cơm chay, nước uống mỗi ngày cho hàng trăm ngàn du khách đến lễ hội với tinh thần trách nhiệm, tự giác, tự nguyện và hăng hái.

Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Gò Tháp là lễ hội đặc sắc có từ lâu đời, mang đậm giá trị văn hóa tâm linh tín ngưỡng của người dân vùng sông nước Nam Bộ, thu hút đông đảo du khách hành hương, chiêm bái và tham dự, đã tồn tại, nổi tiếng bởi tính cộng đồng xuyên suốt, được duy trì bền bỉ, được thực hành nhuần nhuyễn xứng đáng được ghi danh, tỏa sáng trong bức tranh chung Di sản văn hóa Phi vật thể quốc gia của nước Việt Nam.

Phùng Quốc Danh

Hình ảnh kèm theo