Xuất bản thông tin

null ĐỀN THẦN MẶT TRỜI GÒ BÀ CHÚA XỨ

Chi tiết bài viết Đền thần Mặt trời Gò Bà Chúa Xứ

ĐỀN THẦN MẶT TRỜI GÒ BÀ CHÚA XỨ

Di tích được khai quật và phát hiện vào năm 1984. Kết quả khai quật xác định đây là một kiến trúc được xây bằng gạch, có diện tích khoảng 280m2, có cạnh bẻ góc, cân xứng giữa hai phần Bắc và Nam. Những phần đối xứng này tạo thành một bình đồ kiến trúc có 14 góc vuông và 24 cạnh dài ngắn khác nhau. Bề mặt của nền kiến trúc ở phía Đông có 64 ô vuông như dạng bàn cờ, chính là sự thể hiện của núi thiêng Mêru trong Hindu giáo trên mặt bằng kiến trúc. Trung tâm nền gạch có xếp hình Mặt trời tám cánh, xếp bằng tám viên gạch chỉ theo bốn hướng chính và bốn hướng phụ của địa bàn. Thêm vào đó, các nhà khảo cổ học người Pháp đã phát hiện được một tượng thần Surya tại di tích này, hiện tượng đang được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh. Từ đó các nhà khảo cổ học đã khẳng định di tích này là đền thần Mặt trời theo mô hình Manduka-Mandala (mandala vuông), trong đó thần mặt trời là thần chính, xung quanh là rất nhiều thần. Đền thần Mặt trời Gò Bà Chúa Xứ thuộc nền văn hóa Óc Eo, có ít nhất 3 lần trùng tu tôn tạo (có 3 loại gạch kích thước từ lớn đến nhỏ), niên đại từ thế kỷ IV.

            Năm 1995, nền kiến trúc được gia cố và xây dựng mái che để phục vụ khách tham quan và tìm hiểu về văn hóa Óc Eo tại Khu di tích Gò Tháp.