Xuất bản thông tin

null Giá trị nổi bật của di tích gò tháp mười trong quần thể di sản văn hóa óc eo ở Gò Tháp

Gò Tháp Mười Gò Tháp Mười

Giá trị nổi bật của di tích gò tháp mười trong quần thể di sản văn hóa óc eo ở Gò Tháp

Di tích Gò Tháp Mười là nơi lưu giữ nhiều giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa, trong đó nổi bật nhất vẫn là giá trị về mặt khảo cổ học. Di sản văn hóa khảo cổ ở di tích Gò Tháp Mười nói riêng và cả Khu di tích Gò Tháp nói chung có giá trị rất lớn trong nghiên cứu nhiều phương diện về văn hóa Óc Eo và vương quốc Phù Nam ở Nam bộ.

Tuy được phát hiện từ cuối thế kỷ XIX, nhưng do thời gian dài gián đoạn bởi chiến tranh, đến năm 1983, Khu di tích Gò Tháp được khảo sát, thăm dò và khai quật tại nhiều điểm di tích thuộc khu di tích Gò Tháp. Riêng đối với di tích Gò Tháp Mười cũng đã trải qua nhiều đợt lần thám sát, khai quật khảo cổ. Dưới nhát cuốc của những nhà khảo cổ học, diện mạo của một di tích kiến trúc thời văn hóa Óc Eo dần hiện rõ ra cùng với đó là những thông tin khoa học thú vị về một nền văn hóa vàng son từng hiện diện trên đất “Sen hồng” cách ngày nay hơn 15 thế kỷ. Cho đến nay, di tích Gò Tháp Mười đã trải qua 02 lần đào thám sát (năm 1984 và năm 1996) và 03 lần khai quật (năm 1998, năm 2015 và năm 2016). Mỗi lần khai quật đã đem lại nhiều tư liệu nhận thức mới, bổ sung cho nhau. Với hai tượng thần Vishnu tìm được trong đợt khai quật năm 1998 là cơ sở khoa học thuyết phục nhất để các nhà khảo cổ học xác định di tích kiến trúc cổ Gò Tháp Mười là đền của thần Vishnu (thần Bảo tồn của Ấn Độ giáo), tồn tại và phát triển song hành với nền văn hóa Óc Eo tại Khu di tích Gò Tháp. Các kết quả khai quật khảo cổ đã cho thấy di tích đền thần Vishnu Gò Tháp Mười là một di tích kiến trúc đền thần thuộc nền văn hóa Óc Eo và được bảo tồn gần như khá nguyên vẹn. Đó là một ngôi đền thần có nhiều kiến trúc bao gồm: ao thần, đường đi dẫn lên đền, cổng đền và đền chính. Niên đại của di tích đền thần Vishnu Gò Tháp Mười được xác định là từ thế kỷ thứ II đến thế kỷ XII thông qua các hiện vật tìm thấy trong tầng văn hóa (insitu) của di tích. Như vậy, di tích đền thần Vishnu Gò Tháp Mười được cư dân Óc Eo ở Gò Tháp xây dựng, trùng tôn, tôn tạo và sử dụng trong một thời gian rất dài.

Ngoài những giá trị về lịch sử và kiến trúc nghệ thuật, di tích đền thần Vishnu Gò Tháp Mười còn bổ sung thêm bằng chứng cho nguyên nhân sụp đổ của vương quốc Phù Nam. Các nghiên cứu địa chất cho biết: trong giai đoạn Holocen muộn (khoảng 3000 năm đến 1000 năm cách ngày nay), có một đợt biển tiến quy mô nhỏ ở đồng bằng Nam Bộ, gọi là biển tiến Holocen IV (khoảng từ thế kỷ IV đến giữa thế kỷ XII) thì vào giữa thế kỷ VII mức nước cao trung bình là 0,8m (Phan Huy Lê 2007:195-196). Đại bộ phận vùng đất Nam bộ ngày nay chìm dưới nước biển. Nó đồng nghĩa với việc diện tích đất của nước Phù Nam bị thu hẹp, cư dân không còn đất đai để canh tác. Đây là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến sự suy tàn và sụp đổ của vương quốc Phù Nam và văn hóa Óc Eo.

 

Thực tế khai quật tại Gò Tháp Mười năm 2015 cho thấy, trên bề mặt các di tích kiến trúc xuất hiện trong hố khai quật đều có phủ một lớp các trắng (cát biển) dày từ 10 – 25 cm, đều đó chứng minh được rằng: trong thời văn hóa Óc Eo, ở Khu di tích Gò Tháp cũng bị ảnh hưởng nặng nề và lâu dài của đợt biển tiến Holocen IV. Thêm vào đó, việc hai pho tượng thần Vishnu được tìm thấy trong tư thế chôn ngửa ở phía Nam của kiến trúc đền thần Vishnu trong lớp gạch vỡ và đất sét nện chặt. Điều đó cho thấy người xưa đã cố ý chôn giấu hai pho tượng thần này. Giả thiết đưa ra là có thể do cư dân nơi đây trước lúc chuyển đến sinh sống trên vùng cao hơn nhằm tránh nước biển dâng, họ đã giấu hai pho tượng thần để khỏi bị hủy hoại hoặc mất cắp. Nơi chôn giấu tốt nhất mà họ đã chọn là ngay trong đền thần vì đền thần chính là nơi ngự của thần. Khi chôn giấu họ còn xếp hai pho tượng thần vuông góc với nhau, đặt một cụm 4 viên gạch xếp hình chữ Vạn (Svastika) giữa hai pho tượng để cầu may mắn, rồi gia cố chặt bằng nhiều lớp gạch vụn và đất sét. Và như vậy, nếu cần sự che chở bảo vệ của thần thì họ quay lại đền và cầu nguyện vì thần lúc nào cũng ở ngay trong đền để lắng nghe. Việc cố ý chôn giấu tượng thần Vishnu ở Gò Tháp Mười là một trong những bằng chứng chứng minh cho việc cư dân Óc Eo của vương quốc Phù Nam đã rời bỏ các vùng thấp trũng để đến nơi cao hơn sinh sống nhằm ứng phó với tình trạng nước biển dâng.

Những kết quả nghiên cứu mới về di tích kiến trúc đền thần Vishnu Gò Tháp Mười đã cung cấp những thông tin khoa học cho nghiên cứu so sánh với các kiến trúc cùng tính chất trong văn hóa Óc Eo Nam bộ nói chung, góp phần làm sáng tỏ các vấn đề khoa học liên quan đến văn hóa Óc Eo mà đặc biệt là trong đời sống tôn giáo của họ. Với những giá trị riêng biệt đó, di tích đền thần Vishnu Gò Tháp Mười sẽ bổ sung và chứng minh cho tính toàn vẹn và tính xác thực của di sản văn hóa Óc Eo ở Gò Tháp nói riêng và di sản văn hóa Óc Eo ở Nam bộ nói chung, sẽ đóng góp nhiều tư liệu khoa học cho bộ hồ sơ đề nghị UNESCO vinh danh quần thể di sản văn hóa Óc Eo là di sản thế giới./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Đào Linh Côn 1996, Báo cáo thám sát khu di tích Gò Tháp năm 1996, Tư liệu Ban Quản lý Khu di tích Gò Tháp.

2. Đặng Văn Thắng, Võ Thị Huỳnh Như, Nguyễn Hữu Lý 2016. Báo cáo khai quật chân Gò Tháp Mười. Tư liệu Ban Quản lý Khu di tích Gò Tháp.

3. Đặng Văn Thắng, Võ Thị Huỳnh Như, Hà Thị Sương 2017, Báo cáo khai quật Gò Tháp Mười và thăm dò Khu di tích Gò Tháp năm 2016, Tư liệu Ban quản lý Khu di tích Gò Tháp.

4. Nguyễn Hữu Lý, Phùng Quốc Danh 2017, “Thần Vishnu ở Khu di tích Gò Tháp (Đồng Tháp)”, Nam bộ đất và người, tập 12. Nxb. Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh, tr.213-227.

Phùng Quốc Danh