Xuất bản thông tin

null Đền thần Vishnu Gò Tháp Mười

Gò Tháp Mười Gò Tháp Mười

Đền thần Vishnu Gò Tháp Mười

Gò Tháp Mười là gò lớn và cao nhất so với các gò trong Khu di tích Gò Tháp

 

Gò Tháp Mười có tọa độ 100 36’ 17.44” vĩ Bắc, 1050 49’ 41.28” kinh Đông, cao 7,92m so với mực nước biển, so với mặt ruộng xung quanh gò là 3,8m, dài 80m (Đông - Tây), rộng 60m (Bắc - Nam) với tổng diện tích khoảng 4500m2. Đây là gò lớn và cao nhất so với các gò trong Khu di tích Gò Tháp, thuộc ấp 1, xã Tân Kiều, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp.

Description: C:\Users\pc\Desktop\1aa.gif

Đền thần Vishnu Gò Tháp Mười

Ảnh: Phùng Quốc Danh

Trên đỉnh Gò Tháp Mười xưa kia có một ngôi Tháp Cổ Tự thời vua Thiệu Trị (1841 - 1847) do lưu dân người Việt đi khai phá vùng Đồng Tháp Mười xây dựng để thờ Phật. Năm 1956, chính quyền Ngô Đình Diệm cho dời chùa đi nơi khác để xây dựng trên đỉnh gò một “Viễn Vọng Đài”, với chiều cao là 36m, còn có tên gọi là “Tháp Mười Tầng”. Mục đích là để quan sát, khống chế mọi hoạt động của quân giải phóng trong vùng căn cứ kháng chiến. Để phá vỡ âm mưu thâm độc đó, đêm 04 tháng 01 năm 1960 tổ đặc công của tiểu Đoàn 502 dùng 7kg thuốc nổ TNT đánh sập “Viễn Vọng Đài”. Đống phế tích bê tông cốt thép nằm ngổn ngang trên gò Tháp Mười hiện nay là chứng tích lịch sử ghi dấu chiến công của quân dân ta trong thời kỳ Đồng khởi.

Năm 1998, di tích Gò Tháp Mười được khai quật lần thứ nhất ở phía Tây Nam của gò. Đợt khai quật này đã làm phát lộ một phần kiến trúc xây bằng gạch dài đông tây 17.30m rộng bắc nam 12.0m có hướng ăn sâu vào lòng gò, dưới nền xi măng và bê tông cốt thép của Tháp Mười tầng. Trong lúc khai quật đường móng phía Nam của kiến trúc, các nhà khảo cổ học đã phát hiện hai tượng thần Vishnu. Cả hai tượng này, đã được Thủ tướng Chính Phủ công nhận là Bảo vật quốc gia. Dựa vào đặc điểm của di tích và hai tượng thần Vishnu được tìm thấy trong phạm vi hố khai quật, các nhà khảo cổ học đã xác định kiến trúc Gò Tháp Mười đền của thần Vishnu.

Đợt khai quật lần thứ hai vào tháng 1 năm 2015, đã phát lộ thêm một phần di tích kiến trúc gạch phía Tây Bắc, được xây bằng gạch chạy hướng đông lệch bắc 4o, dài đông tây 12.3m, rộng bắc nam 8m. Trong đợt khai quật này còn phát hiện ở phía Đông di tích một Ao Thần (Stepped pond) và một đường đi bằng gạch. Đường đi theo hướng Đông Tây, lệch Bắc 4o, chiều dài phát hiện được là 14.8m nhưng còn dấu hiệu kéo dài theo hai hướng Đông và Tây, chiều rộng trung bình 5.0m. Ao Thần có bình đồ là hình vuông, cạnh Nam chạy theo hướng Đông Tây lệch Bắc 8o, chiều dài mỗi cạnh là 24m, với số bậc thang giật cấp còn lại có thể đếm được từ 16 đến 26 bậc.

Tháng 6 năm 2016, Ban Quản lý Khu Di tích Gò Tháp phối hợp với trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục khai quật khai quật phần còn lại của đền thần Vishnu Gò Tháp Mười. Đợt khai quật này đã tìm thấy kiến trúc đường đi bao quanh phía Nam và phía Đông của Đền thần Vishnu Gò Tháp Mười dài 73 m rộng khoảng 1,5m với nhiều lớp giật cấp, cấp dưới cùng rộng 2m. Trên đường, có nhiều lỗ cột liên quan đến các sinh hoạt tôn giáo mang tính không thường xuyên tại đền thần. Ở phía Đông ngôi Đền Vishnu phát hiện thêm một kiến trúc sân lễ hội Mandapa trước đền và có xu hướng ăn sâu vào lòng gò và nằm bên dưới phế tích Tháp mười tầng.

Đền thần Vishnu Gò Tháp Mười có niên đại từ thế kỷ thứ II đến thế kỷ XII A.D.

Cũng tại đây, vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX các nhà nghiên cứu đã phát hiện một số bia đá, trong đó có văn bia K5 hiện trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh mà nội dung của nó được đề cập ở bài “Bia ký phát hiện ở Gò Tháp” trong quyển sách này. Như vậy, Gò Tháp Mười chứa đựng nhiều di tích và phế tích đang xen nhau theo thời gian trong tiến trình lịch sử. Đó là di tích tôn giáo thời Vương quốc Phù Nam; dấu tích Ngôi tháp Cổ Tự của Phật giáo và phế tích viễn vọng đài của chế độ Ngô Đình Diệm.

          TÀI LIỆU THAM KHẢO

          1. Địa chí Đồng Tháp Mười, Nhà xuất bản Chính trị Quốc Gia Hà Nội-1996.

          2. Đặng Văn Thắng, Nguyễn Hữu Lý 2015. Thần Vishnu trong văn hóa Óc Eo. Tạp chí Khảo cổ học, số 4/ 2015, tr.69-78.

          3. Đặng Văn Thắng, Võ Thị Huỳnh Như, Nguyễn Hữu Lý 2016. Báo cáo khai quật chân di tích Gò Tháp Mười, Tư liệu Ban Quản lý Khu Di tích Gò Tháp.

          3. Đào Linh Côn, Võ Sĩ Khải 1998. Báo cáo khai quật kiến trúc Gò Tháp Mười (Gò Tháp – Đồng Tháp). Tư liệu Ban Quản lý Khu Di tích Gò Tháp.

          4. Nguyễn Hữu Lý, Phùng Quốc Danh (2016), Hiện vật đặc biệt và Bảo vật quốc gia tại Khu di tích quốc gia đặc biệt Gò Tháp. Nam bộ Đất & Người (Tập XI). Nxb. Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh.

Tác giả: Lương Thị Dợn

(Trích từ sách: Gò Tháp Di tích Quốc gia đặc biệt, tái bản lần thứ 1, có sửa chữa bổ sung. Nxb. Văn hóa – Văn nghệ Tp. Hồ Chí Minh)