Publicador de continguts

null DẤU ẤN CỦA TRẦN TRỌNG KHIÊM TRONG CUỘC CHIẾN ĐẤU CỦA NGHĨA QUÂN THIÊN HỘ DƯƠNG

Trang chủ Lịch sử văn hóa

DẤU ẤN CỦA TRẦN TRỌNG KHIÊM TRONG CUỘC CHIẾN ĐẤU CỦA NGHĨA QUÂN THIÊN HỘ DƯƠNG

Trần Trọng Khiêm - vị phó tướng thứ hai của Thiên hộ Võ Duy Dương. Ông là người đã thiết kế một hệ thống đồn lũy vững chắc theo kiểu Mỹ để làm căn cứ vững chắc cho nghĩa quân.

Năm 1864, Gò Tháp được Thiên hộ Võ Duy Dương chọn làm căn cứ cho cuộc kháng chiến của nhân dân Đồng Tháp Mười chống lại sự xâm lược của thực dân Pháp. Với tài trí thao lược của mình cùng với sự giúp sức đắc lực của Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều, Thiên hộ Võ Duy Dương đã nhanh chóng xây dựng căn cứ Gò Tháp trở thành một đại bản doanh của cuộc kháng chiến chống Pháp, đưa cuộc chiến đấu chính nghĩa của ông trở thành ngọn cờ đầu trong cuộc đấu tranh bảo vệ đất nước của nhân dân ta ở Nam bộ sau thất bại của Bình Tây Đại nguyên soái Trương Định.

Để có những thành công đó, thật thiếu sót nếu không kể đến những đóng góp lớn lao của Trần Trọng Khiêm - vị phó tướng thứ hai của Thiên hộ Võ Duy Dương. Ông là người đã thiết kế một hệ thống đồn lũy vững chắc theo kiểu Mỹ để làm căn cứ vững chắc cho nghĩa quân.

Trần Trọng Khiêm (1821 – 1866) là nhà yêu nước, là người Việt Nam đầu tiên đến Hoa Kỳ, trước cả nhà ngoại giao Bùi Viện đến hơn thập kỷ. Ông được sinh ra trong có truyền thống yêu nước ở làng Xuân Lũng, huyện Sơn Vi, tỉnh Phú Thọ. Suốt từ năm 1844 đến 1854, Trần Trọng Khiêm đã đi qua nhiều vùng đất, từ Hương Cảng đến Anh, Hà Lan, Mexico,… Khoảng năm 1849, ông đặt chân đến thành phố New Orleans và bắt đầu chặng đường phiêu bạt trên đất Mỹ.

Đến Mỹ, ông cải trang thành một người Trung Hoa với tên là Lê Kim, gia nhập đoàn người đi tìm vàng ở miền Tây Hoa Kỳ. Ông còn viết báo cho tờ Alta California, Morning Post rồi làm biên tập cho tờ nhật báo Daily Evening với bút danh Lee Kim. Ông là người Việt Nam đầu tiên cưỡi ngựa, bắn súng như một cao bồi và là ký giả người Việt đầu tiên trên đất Mỹ.

Khoảng năm 1855-1856, Trần Trọng Khiêm đã đóng giả thành một người Minh Hương để đáp tàu biển vào Sài Gòn rồi xuống vùng Ngưu Châu (tức Cù Lao Trâu) chiêu mộ lưu dân, khai hoang lập ấp, dựng làng Hòa An (nay thuộc thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp). “Đất lành chim đậu”  lưu dân tìm đến làng Hòa An ngày càng đông. Ông vốn là người chân thực, hào phóng, trọng nghĩa khinh tài hay giúp đỡ mọi người nên được mọi người quý mến. Họ suy tôn ông làm Hương cả, chăm lo quản lý ngôi làng. Làng Hòa An của ông chính là ngôi làng sản sinh ra những người anh hùng, nghĩa sĩ, những con người cộng sản kiên trung của “đất Sen hồng” như: Thống Bình, Phạm Hữu Lầu, Nguyễn Thị Lựu và nơi mà thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh - cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc đã lưu lại cho đến khi cuối đời.

Ngày 15.3.1874, triều đình Huế ký hòa ước Giáp Tuất để công nhận chủ quyền vĩnh viễn của Thực dân Pháp ở Nam kỳ. Trước cảnh nước mất nhà tan, vốn là một người trí thức, Trần Trọng Khiêm đã ý thức được trách nhiệm của mình với quê hương, đất nước. Ông đã dùng toàn bộ tài sản của mình để chiêu mộ nghĩa quân thành lập một đội quân nghĩa dõng cùng gia đình vào Đồng Tháp Mười tham gia chống Thực dân Pháp dưới ngọn cờ của nghĩa quân Thiên hộ Dương.

Dựa theo mô hình đồn canh Suter do một vị đại tướng người Mỹ thiết kế và xây dựng ở California mà ông có dịp tận mắt nhìn thấy trong thời gian đi tìm vàng, ông đã đề xuất với Thiên hộ Dương xây dựng hệ thống đồn lũy phòng thủ ở Tháp Mười dựa theo cách thiết kế hào lũy, công sự chiến đấu, tháp canh,...của đồn canh Suter. Hệ thống đồn lũy đó gồm: Đồn Tiền (trên đường đi Cái Nứa), Đồn Tả (trên đường đi Mộc Hóa, tọa lạc trên Gò Giồng Dung) và Đồn Hữu (nằm trên gò Động Cát, án ngữ con đường rạch Cần Lố), và đặt đại bản doanh tại Đồn Trung (Gò Tháp). “Đồn nào cũng có lũy đất ở chung quanh, cao non hai thước và dày khoảng thước rưỡi, trong và ngoài lũy là hàng cừ bằng sao, lũy có đục cửa và có nhiều lỗ để nhắm bắn ra ngoài. Mỗi đồn chứa từ 200 đến 300 nghĩa binh, 10 khẩu súng và 4 - 5 chục thớt súng bắn đá với vài khẩu đại bác 12” (Nguyễn Hiến Lê 2004:42-43).

Description: C:\Users\Danh\Desktop\ban do.jpg

Bản đồ bố trí đồn lũy của nghĩa quân Thiên hộ Dương

Nguồn: Nguyễn Hữu Hiếu (2006)

Với tài bắn súng học được trong những năm tháng ở Hoa Kỳ và kinh nghiệm xây hệ thống phòng thủ vững chắc, Trần Trọng Khiêm đã nổi lên như một vị phó tướng “văn, võ toàn tài” trong hàng ngũ nghĩa quân Thiên hộ Dương. Bên cạnh đó, nhờ có vốn ngoại ngữ của mình ông đã cảm hóa được một nhóm lính Pháp và dùng họ tấn công quân Pháp ở Cái Bè, Mỹ Qưới đã gây cho thực dân Pháp không ít tổn thất nặng nề.

Ngày 15.4.1866, Thực dân Pháp mở cuộc tấn công bốn mặt vào đại bản doanh Đồng Tháp Mười, dưới sự chỉ huy của đô đốc Dela Grandière và các cộng sự. Trước sự tấn công của địch, Trần Trọng Khiêm cùng nghĩa quân hiên ngang chống trả quyết liệt với các lực lượng thủy, lục quân cùng vũ khí hiện đại của chúng. Tuy nhiên do vũ khí vượt trội hơn so với nghĩa quân của Thiên hộ Dương, một số đồn ở Đồng Tháp Mười lần lượt rơi vào tay Thực dân Pháp và tay sai. Trước tình hình đó,Thiên hộ Dương quyết định cho nghĩa quân rút khỏi đại bản doanh Gò Tháp để bảo toàn lực lượng. Trần Trọng Khiêm và Đốc Binh Nguyễn Tấn Kiều xin ở lại Gò Tháp để cản hậu cho nghĩa quân rút lui. Khi đồn Gò Tháp thất thủ, ông đã tuẫn tiết, nhất quyết không chịu rơi vào tay giặc. Nghĩa quân đã chôn cất ông tại Gò Tháp.

Như vậy, Trần Trọng Khiêm không chỉ là người Việt Nam đầu tiên đặt chân lên đất Mỹ, người khai sinh ra làng Hòa An, mà ông còn là một người tiêu biểu cho những trí thức yêu nước lúc bấy giờ, gạt bỏ chữ “Trung quân” để cùng dân chống lại lệnh triều đình Huế. Những kiến thức mang tầm thời đại của ông về kỹ thuật xây dựng hệ thống phòng thủ, kỹ thuật bắn súng,… đã góp thêm sức mạnh cho cuộc chiến đấu chính nghĩa của nghĩa quân Thiên hộ Dương. Dù cuộc khởi nghĩa của Thiên hộ Dương cũng cùng chung số phận với nhiều cuộc khởi nghĩa khác lúc bấy giờ ở Nam Kỳ, nhưng “…Một trận đánh Tây, thân tuy mất tiếng vang như mõ… - Nguyễn Đình Chiểu”, Trần Trọng Khiêm cùng với Thiên hộ Võ Duy Dương và Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều xứng đáng là những danh nhân lớn của tỉnh Đồng Tháp trong cuộc đấu tranh chống Thực dân Pháp xâm lược ở Nam kỳ vào cuối thế kỷ XIX.

Tiếc thay qua bao cuộc dâu bể, khói lửa chiến tranh đã làm ngôi mộ của Trần Trọng Khiêm ở Gò Tháp bị lưu lạc. Cuộc đời và sự nghiệp của ông chưa được ghi chép đầy đủ vào trang sử nước nhà nhưng cũng đã để lại những dấu ấn nhất định trong cuộc kháng chiến, góp phần không nhỏ vào những thắng lợi của nghĩa quân Thiên hộ Dương, tạo một điểm sáng trong bức tranh lịch sử chống thực dân Pháp nửa cuối thế kỷ XIX./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

            1. Ban Tuyên giáo Tỉnh Ủy, Hội Khoa học Lịch sử Đồng Tháp 2015, Đồng Tháp Nhân vật chí, Nxb. Trẻ.

            2. Nguyễn Hiến Lê 1954, Bảy ngày ở Đồng Tháp Mười, Nxb. Văn hóa thông tin.

3. Nguyễn Hữu Hiếu 2006, Đặc điểm và ý nghĩa cuộc kháng chiến của Võ Duy Dương ở Đồng Tháp Mười, Đồng Tháp Xưa và Nay, số 18, tr.16-19.

Tác giả: Nguyễn Thị Kiều Loan