Publicador de continguts

null Thân thế và sự nghiệp của Lãnh binh Cẩn – vị tướng của Thiên hộ Võ Duy Dương

Chi tiết bài viết Lịch sử văn hóa

Thân thế và sự nghiệp của Lãnh binh Cẩn – vị tướng của Thiên hộ Võ Duy Dương

Lãnh binh Cẩn – người tướng tài của Thiên hộ Dương và cũng là hòa thượng khai sơn Chùa Tháp Linh ở Khu di tích Gò Tháp hiện nay

Năm 1864, Gò Tháp được Thiên hộ Võ Duy Dương chọn làm căn cứ chống lại sự xâm lược của thực dân Pháp. Với tài trí thao lược của mình cùng với sự giúp sức đắc lực của Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều, Thiên hộ Võ Duy Dương đã nhanh chóng xây dựng căn cứ Gò Tháp trở thành một đại bản doanh của cuộc kháng chiến chống Pháp, đưa cuộc chiến đấu chính nghĩa của ông trở thành ngọn cờ đầu trong cuộc đấu tranh bảo vệ đất nước của nhân dân ta ở Nam bộ sau thất bại của Bình Tây Đại nguyên soái Trương Định. Để có những thành công đó, thật thiếu sót nếu không kể đến những đóng góp lớn lao các tướng lĩnh và nhân dân Đồng Tháp Mười, trong đó có Lãnh binh Cẩn – người tướng tài của Thiên hộ Dương và cũng là hòa thượng khai sơn Chùa Tháp Linh ở Khu di tích Gò Tháp hiện nay.

Lãnh Binh Cẩn tên thật là Nguyễn Văn Cẩn, sinh năm 1802 tại thôn Mỹ Lợi, huyện Kiến Đăng, tỉnh Định Tường (nay là tỉnh Tiền Giang). Sinh ra trong một gia đình nông dân, nhờ có thể lực cường tráng, võ nghệ cao cường ông đã tham gia lực lượng đồn điền ở tỉnh Định Tường, hoạt động trong các cơ sở đồn điền ở Mỹ Thiện, Hậu Mỹ, Mỹ Thành, Thạnh Phú thuộc địa phận huyện Cai Lậy, Cái Bè ngày nay. Đồn điền là một tổ chức bán quân sự theo chính sách: “Ngụ binh ư nông” thời bấy giờ.

Năm 1861, khi thực dân Pháp đánh chiếm tỉnh Định Tường, ông gia nhập lực lượng kháng chiến chống Pháp do Võ Duy Dương lãnh đạo từ rất sớm, được thăng chức Lãnh binh.

Năm 1864, Võ Duy Dương thành lập căn cứ kháng chiến Đồng Tháp Mười. Lãnh Binh Cẩn và Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều được Thiên hộ Võ Duy Dương giao nhiệm vụ chỉ huy đại bản doanh Đồn Trung đóng ở Gò Tháp.

Đầu năm 1866 tướng Pháp De La Grandière tập trung binh lực quy mô lớn tấn công Đồng Tháp Mười từ 3 hướng chính. Nghĩa quân thất trận. Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều tử trận. Thiên hộ Dương rút quân về Tân An. Lãnh binh Cẩn rút quân về Hồng Ngự. Đến Hồng Ngự, bị quân Pháp và thân binh của Trần Bá Lộc vây đánh, Lãnh binh Cẩn lui về vùng Gia Định củng cố lực lượng.

Sau đó ông cho quân về lại Hồng Ngự và tấn công hạ thành Châu Đốc nhưng không giữ được thành. Bị vây đánh, ông rút lên núi Sập. Tuy nhiên do khó khăn kéo dài về lương thực và vũ khí, cánh quân của ông dần tan rã sau nhiều năm hoạt động.

Đến năm 60 tuổi, mặc dù Lãnh binh Cẩn ý chí có thừa nhưng lực bất tòng tâm, ông nghĩ rằng làm người cứu nước chưa tròn, mêm đã quy y của Phật để cứu đời, cứu người. Ông đến chùa Tây An gặp các nhà sư yêu nước và thọ giáo tổ sư Tiên Giác – Hải Tịnh xin xuất gia, được Tổ sư ban cho pháp danh Minh Mai hiệu Phương Danh. Ông là hòa thượng thuộc dòng Thiền Lâm Tế Chánh tông đời thứ 38.

Cuối năm 1870, ông trở về quê nhà trùng tu chùa Thắng Quang, làng Hòa Hưng, huyện Cái Bè, nay tỉnh Tiền Giang. Hoằng pháp nơi đây ổn định, ông trở lại chiến trường Đồng Tháp Mười, lập chùa Tháp Cổ (nay là chùa Tháp Linh) để là nơi tu niệm và còn là nơi để thờ Thiên hộ Võ Duy Dương, Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều cùng những nghĩa binh tử trận. Ngôi chùa đã trở thành điểm tựa tâm linh cho đồng đội kháng chiến của ông.

Trong thời gian này, ông còn liên lạc với đại Sư huynh (tức Thiền sư Minh Thông Hải Huệ, Tổ đình Bửu Lâm, Cao Lãnh) để chia sẻ về Phật sự và Quốc sự trong thời đối đầu với thực dân Pháp xâm lược.

Những tưởng tiếng kinh câu kệ ấm lòng những chiến sĩ hy sinh trong công cuộc chống Pháp, an ủi những người dân quanh vùng chịu đau thương bởi chiến tranh khốc liệt. Nhưng bọn tay sai của Thực dân Pháp là Trần Bá Lộc đã ngầm theo dõi mọi hoạt động của ông tại ngôi chùa Tháp cổ. Do đó, ông đành quay trở về quê nhà xây dựng ngôi Phước Quang Tự, làng Mỹ Lợi, huyện Cái Bè, nay tỉnh Tiền Giang để làm nơi tu hành. Lãnh Binh Cẩn mất năm 1902 tại xã Mỹ Lợi A, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang. Tên ông hiện được đặt cho một con đường ở thành phố Mỹ Tho (Tiền Giang)./.

* Tài liệu tham khảo:

1. Huỳnh Minh 1971, Định Tường xưa và nay, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh.

2. Sách Định Tường xưa và nay, tác giả Huỳnh Minh, nhà xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh, năm 1971

Văn Công Khánh