ناشر الأصول

null CÂY CHOẠI Ở GÒ THÁP

Chi tiết bài viết Tin hoạt động

CÂY CHOẠI Ở GÒ THÁP

Cây choại hay còn có tên gọi khác là rau chạy, rau choại, đọt chạy, dây choại... là một loại rau rừng mọc theo những cánh rừng ngập nước. Nó được ví như là sản vật của thiên nhiên ban tặng cho người dân miền Tây, nhất là khi mùa mưa đến. Và tại Khu Di tích Gò Tháp, cây choại kết hợp với thảm thực vật của rừng tràm tạo nên khung cảnh xanh mát chào đón du khách thập phương.

Cây choại là loài thực vật thân thảo dây leo thuộc Bộ Dương xỉ, mọc nhiều ở vùng trũng đất nhiễm phèn như rừng U Minh Thượng thuộc tỉnh Kiên Giang, U Minh Hạ thuộc tỉnh Cà Mau và khu vực Đồng Tháp Mười.

Hình dáng cây choại rất lạ. Đọt non có dạng uốn cong và cuộn chặt nhiều vòng, thân dưới cuộn xoắn mềm, dài 40 - 50 cm. Khi đọt non phát triển các vòng tháo dần ra, phần thân già hóa xơ và rất bền chắc. Thân dây choại có khả năng leo (hoặc bò) rất xa, dài tới 15 - 20 m, thân có vẩy hơi thưa, xếp lợp. Lá cây choại là loại lá kép lông chim, mọc so le cách quãng nhau, cuống dài 7-20cm, gân lá chính dài 30-50cm, mỗi bên khoảng 15 lá kép xếp hàng răng lượt giống như lá dừa, phiến lá chét dài 10-15 cm, rộng 3 cm. Khi mới mọc lá non có màu nâu và cũng uốn cong nhiều vòng sau đó thẳng dần từ gốc lá. Sự bung ra của lá như vậy gọi là kiểu xếp lá hình thoa. Ngoài ra, cây choại còn có lá sinh sản (lá bào tử) màu vàng nâu ở mặt dưới phiến lá.

Nhờ bộ rễ có sức hút nước mạnh, cây choại thích nghi với những vùng đất bưng, trũng ngập nước. Thân leo đến đâu thì bám rễ đến đó, có khi leo cao tuốt ngọn tràm, phủ xanh um một mảng. Còn ở dưới mặt đất, cứ dây dài ra tới đâu thì ngay đốt lá lại có rễ đâm sâu vào đất, hình thành một bụi mới. Có thể do cách sinh trưởng độc đáo này mà ông bà ta đặt cho nó cái tên  “rau chạy”.

Cây choại làm rau nên được người dân Gò Tháp gọi là rau choại. Rau chỉ dùng đọt non nên gọi là đọt choại. Đọt rau choại có vị ngọt thanh tự nhiên, ăn vào có cảm giác trơn và giòn như đậu bắp. Đọt choại được chế biến thành những món ăn ngon như: đọt choại luộc chấm nước tương, hoặc ngon hơn thì chấm với kho kho quẹt; đọt choại xào tỏi, xào tép; dùng làm nguyên liệu nấu canh chua, nhúng lẩu,...Tuy dễ hái và dễ chế biến, nhưng đọt choại khó bảo quản. Tốt nhất là ăn trong ngày để đảm bảo dộ tươi ngon nhất, nếu qua đêm phải rửa sạch, ngâm vào nước hoặc để ngăn mát tủ lạnh.

Theo Bà Nguyễn Thị Xuyến (sinh năm 1959, ngụ tại ấp 1, xã Tân Kiều, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp), từ ngày miền Nam giải phóng, bà con quay về Gò Tháp xây dựng lại đời sống sau nhiều năm tản cư nơi khác. Cuộc sống mưu sinh khó khăn, bữa cơm chỉ đơn giản với cá đồng và mớ rau ngoài vườn, ngoài ruộng. Bà nói : “Ngày đó đọt choại cũng ít lắm. Sau này nhà nước quy hoạch trồng rừng lại, thì đọt trại theo đó mới sinh sôi dần lên và nhiều như hiện giờ. Nhờ hái đọt choại mà bữa cơm thêm phong phú, rồi có người thì hái thêm để đem bán ngoài chợ. Nhờ vậy mà cũng kiếm được đồng ra đồng vào”.

Từ món đơn giản ở bữa cơm gia đình, sự hấp dẫn của đọt choại dần lan xa và trở thành đặc sản được nhiều người yêu thích. Chị Thúy Duy, một người bán ở Chợ quê Gò Tháp cho biết: “Giá đọt choại dao động từ 25.000 đến 40.000 đồng một ký tùy rau choại non hay già, mùa mưa thì rau choại phát triển nhanh lắm, chịu khó đi hái về, phân loại và bó lại đẹp là bán được. Mỗi phiên chợ chị chỉ mở bán một xíu là hết, khách rất thích”.

Dây choại thuộc nhóm cây có chồi sát mặt đất, được dùng làm thuốc, làm cảnh và làm thức ăn. Loại cây này có độ phổ biến cao, chiếm đa số trong hệ sinh thái rừng tràm ngập nước ở Gò Tháp. Đến đây, du khách dễ dàng bắt gặp những mảng cây choại ven rừng tràm, dọc theo các tuyến đê bao bảo vệ rừng, trong đó nhiều nhất là ở hai bên trục đường chính hướng từ Mỹ Hòa đi vào. Những đọt choại non vươn lên thẳng tắp nằm bên ngoài, còn phía trong là các dây choại già leo cao trên những thân tràm tạo thành từng bụi lớn um tùm.

Việc mở rộng diện tích loài cây choại trong những năm gần dây được Ban Quản lý Khu Di tích Gò Tháp rất quan tâm. Bởi đây là loài thực vật không chỉ làm đẹp cảnh quan mà còn có giá trị trong ẩm thực và y học. Những đọt choại non xoăn tít trơn giòn trên dĩa hay từng bụi choại xanh um vươn cao trên những thân tràm, đâu cũng là sự vấn vương của đất Gò Tháp. Khung cảnh hoang sơ của thiên nhiên cùng với quần thể những di tích khảo cổ, lịch sử, tín ngưỡng tâm linh ở Khu Di tích Gò Tháp là nơi lý tưởng để du khách đến tham quan, học tập và đặc biệt là tận hưởng cảm giác thoải mái khi thả mình vào không gian tự nhiên mát mẻ.

Tin và ảnh: Hồng Thắm