ناشر الأصول

null MÙA BÔNG ĐIÊN ĐIỂN Ở KHU DI TÍCH GÒ THÁP

Chi tiết bài viết Tin hoạt động

MÙA BÔNG ĐIÊN ĐIỂN Ở KHU DI TÍCH GÒ THÁP

Từ cuối tháng bảy âm lịch, khi mùa nước nổi tràn về, điên điển ở Khu Di tích Gò Tháp bắt đầu vào mùa trổ bông rực rỡ. Từng chùm bông vàng tươi nở rộ tạo thành khung cảnh nên thơ, thu hút nhiều du khách đến tham quan và chụp ảnh lưu niệm với loài hoa dân dã này.

Điên điển còn có tên gọi khác là điền thanh, thuộc họ đậu, cây thân bụi, khi trưởng thành có thể cao từ 2-3 mét và có khi cao hơn, chiều rộng tán cây từ 2-3 mét. Loài cây này dễ thích nghi với nhiều môi trường, thường mọc ở các đầm ao, ven bờ kênh, bờ ruộng hay các khoảng đất trống. Thân cây điên điển giòn, dễ gãy. Lá điên điển là loại lá kép lông chim, lá chét nhỏ hình thuôn dài, có kích thước 3-5mm x 10-15 mm. Hoa màu vàng tươi, kích thước 15-20 mm và mọc thành từng chùm, mỗi chùm từ 8 -10 hoa. Quả điên điển tròn thẳng, dài khoảng 20 - 30 cm và có các vách ngăn chứa hạt bên trong. Các bộ phận của điên điển được dùng làm thuốc (rễ, lá, đọt non, nhựa cây...), làm thức ăn (bông, lá, đọt non) và một số công dụng khác như làm củi (thân, rễ), làm phân bón nông nghiệp (toàn bộ cây vì rất giàu đạm).

 

          Ở Nam Bộ, người ta gọi loài cây này là “bông điên điển”, có lẽ vì bông là bộ phận được sử dụng nhiều và phổ biến nhất và hơn hết, bông điên điển rất đẹp, được ví như là “mai vàng mùa nước nổi” của miền Nam. Bông điên điển là thức ăn giàu dinh dưỡng cho hương thơm,vị ngọt bùi và ăn giòn nên hòa quyện với món nào cũng ngon. Từ loại bông này, người dân đã biết cách chế biến thành nhiều món ăn ngon trong bữa cơm gia đình như làm gỏi, xào tỏi, xào với tép đồng, làm dưa chua, ăn sống chấm cá kho, nấu canh, nhúng lẩu chua, ăn kèm với bún cá. Món canh chua bông điên điển cá linh đã trở thành đặc sản nổi danh khi nhắc đến ẩm thực mùa nước nổi.

 

Theo chị Thùy Trang, một người dân ở ấp 1, xã Tân Kiều cho biết: “Hồi trước, cứ mỗi lần nước về là chị đi hái điên điển dại mọc tự nhiên ở xung quanh khu di tích. Một phần để gia đình ăn, bữa nào nhiều thì đem đi bán, cũng kiếm được vài chục nghìn đồng. Giá bán dao động khoảng 30 - 40,000 đồng/ 1 ký. Bây giờ đi làm rồi, không có nhiều thời gian hái nữa, nhưng mà nhìn điên điển nở rộ vàng mê lắm”. Từng chùm bông tươi rói được nâng niu trên tay, phải thật cẩn thận tuốt nhẹ nhàng, bởi nếu hái mạnh tay, bông dễ dập nát, không còn ngon nữa. Theo kinh nghiệm của người dân địa phương, bông điên điển phải hái từ sáng sớm, trước khi những cánh hoa bung nở xòe ra thì vị bông ngọt nhất. Có những người tranh thủ hái từ ban khuya để kịp đem ra chợ bán. Còn hái vào buổi chiều thì điên điển nở rộ rồi, nhìn đẹp nhưng ít ngọt hơn. Bông điên điển trổ nhanh đến nỗi, nếu hôm trước hái không kịp, hôm sau hoa đã tàn, kết thành trái. Sức sinh sôi của điên điển cũng vô cùng mạnh mẽ. Mỗi ngày mỗi ra hoa, kéo dài đến 3-4 tháng.

 

Bên cạnh bông điên điển truyền thống, ngày nay đã có nhiều giống điên điển mới được bà con trồng quanh năm để bổ sung nguồn điên điển cung cấp cho thị trường. Ban quản lý Khu di tích Gò Tháp cũng lựa chọn giống điên điển Thái để trồng bổ sung những khu vực đất trống. Tính đến hiện tại, bên cạnh những bụi điên điển mọc dại tự nhiên quanh đê bao, có đến hơn 300 gốc điên điển được gieo trồng và chăm sóc. Theo ông Lê Đình Lang, Giám đốc Ban Quản lý Khu di tích Gò Tháp: “Điên điển không chỉ là món ăn ngon mà còn được xem là biểu tượng văn hóa mùa nước nổi ở Nam Bộ. Biết bao thế hệ người con vùng đồng bằng sông nước được nuôi nấng lớn lên bởi loài bông bình dị này. Việc trồng điên điển ở Khu Di tích Gò Tháp không chỉ tạo thêm cảnh đẹp mà còn là hình ảnh gợi nhớ về một mùa nước nổi yên bình trong ký ức bao người dân ở xứ bưng biền”.

 

Đến tham quan khu di tích Gò Tháp vào mùa này, du khách sẽ được hòa mình vào không gian vàng rực rỡ của bông điên điển. Từng chùm bông nặng trĩu đong đưa theo gió, thi thoảng tỏa hương thơm dịu dàng mát lòng người đi qua. Những người con xa quê, hay những ai đã từng đến mảnh đất miền Tây thân yêu này chắc sẽ cảm thấy bồn chồn, lưu luyến về loài bông bình dị ấy, và xen lẫn cảm xúc bùi ngùi khi nghe câu hát “Ăn bông mà điên điển, nghiêng mình nhớ đất quê, chồng xa em khó mà về hò ơ, ơi hò…!”

Hồng Thắm