Xuất bản thông tin

null CÂY DI SẢN

Gò Tháp Mười Gò Tháp Mười

CÂY DI SẢN

Năm 2016, Cây trôm Gò Tháp Mười được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam vinh danh là cây Di sản Việt Nam, đây là cây Di sản Việt Nam thứ 3 của tỉnh Đồng Tháp.

Cây cao khoảng 25m, chu vi thân đo ở độ cao 1.3m so với mặt đất là 6.5m đã chứng kiến bao thăng trầm đổi thay của thế cuộc. Tuy chưa tài liệu nào ghi thời kháng chiến của của hai cụ Thiên Hộ Dương – Đốc Binh Kiều cây Trôm Gò Tháp Mười đã có hay chưa, nhưng chắc chắn trong giai đoạn năm 1946 – 1949, khi Gò Tháp được Xứ ủy và Ủy ban Kháng chiến Hành chính Nam bộ chọn làm căn cứ kháng chiến, thì đã có Cây Trôm, để rồi đến năm 1956-1959 cây trôm chứng kiến chính quyền Ngô Đình Diệm cho xây “Viễn Vọng đài” hay còn gọi là “Tháp Mười Tầng” tại gò này. Và một năm sau đó, nó lại chứng kiến sự kiện lịch sử của quân và dân đất “Sen hồng” cụ thể là Tiểu Đoàn 502 đánh sập “Viễn Vọng đài”vào rạng sáng ngày 4 tháng 01 năm 1960. Suốt những năm chiến tranh ác liệt cho đến ngày Thống nhất đất nước, cây Trôm vẫn sừng sững vươn lên mạnh mẽ như những người con của Gò Tháp kiên trung, bất khuất dù bị nhiều trận bom đạn và càn quét của kẻ thù.

Từ sau năm 1975, Cây Trôm lại chứng kiến các nhà khảo cổ tiến hành nhiều lần thăm dò và khai quật gò Tháp Mười. Từ lòng gò, người ta đã phát hiện một ngôi đền rất qui mô của thần Vishnu thời vương quốc Phù Nam có niên đại cách đây trên 1.500 năm và hàng trăm hiện vật khảo cổ rất có giá trị khoa học, trong đó có hai tượng thần Vishnu đã được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là bảo vật Quốc gia.

           Không những thế, với tuổi thọ cả trăm năm, cây Trôm Gò Tháp Mười đã hội tụ được khí thiêng của trời đất cho nên cứ mỗi lần lễ hội truyền thống tại Khu Di tích Gò Tháp với hàng trăm ngàn lượt người đi trẩy hội, thì ít có ai không đến gốc Cây Trôm để chiêm bái Thần Cây cùng những sự hiển linh khác để cầu phúc, cầu an, cầu may, cầu tài lộc, v.v...