Xuất bản thông tin

null MIẾU THỜ BÀ CHÚA XỨ

Miếu Bà chúa Xứ Miếu Bà Chúa Xứ

MIẾU THỜ BÀ CHÚA XỨ

Thờ Bà Chúa Xứ là tín ngưỡng dân gian của người Việt đã có từ lâu đời, là một biểu hiện cụ thể của tín ngưỡng thờ Mẫu nói chung. Bà Chúa Xứ là hiện sinh của vị Mẫu thần, biểu hiện to lớn về khát vọng tìm kiếm sự che chở, bảo bọc cho cuộc sống bình yên của người dân địa phương. Từ ý nghĩa đó, tại Khu di tích Gò Tháp, miếu thờ Bà Chúa Xứ được người dân xây dựng từ những ngày đầu khai hoang lập ấp. Ban đầu ngôi miếu được xây dựng bằng tre, lá nằm trên nền gò đất có di tích kiến trúc thuộc nền văn hóa Óc Eo. Để bảo tồn di tích khảo cổ, năm 1995, ngôi miếu được di dời và xây dựng lại bằng bê tông cốt thép với diện tích khoảng 240m2 (hiện tại là ngôi tiền điện) để làm nơi thờ phụng. Hàng năm, Ban hội hương Gò Tháp lấy ngày rằm tháng 3 âm lịch làm ngày vía Bà Chúa Xứ. Dần dần, ngày vía Bà Chúa Xứ ở Khu di tích Gò Tháp trở thành ngày lễ hội truyền thống quan trọng của địa phương, mỗi kỳ lễ hội có hàng trăm nghìn lượt khách đến tham quan, cúng viếng.

Năm 2014, thực hiện dự án Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử và khảo cổ Gò Tháp, ngôi miếu thờ Bà Chúa Xứ Gò Tháp được tu bổ, tôn tạo xây dựng thêm phần chánh điện, tả vu, hữu vu, cổng và hệ thống cây xanh, bồn hoa nhằm nâng cấp và mở rộng ngôi miếu đáp ứng nhu cầu tham quan, cúng viếng của du khách nhất là trong các ngày diễn ra lễ hội.

          Năm 2020, Công ty cổ phần xe khách Phương Trang FUTA BUSLINES đã tài trợ kinh phí để tiếp tục thực hiện tu bổ ngôi miếu thờ Bà Chúa Xứ. Đến năm 2021, ngôi miếu thờ Bà Chúa Xứ đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Đây là công trình văn hóa tâm linh, tín ngưỡng quan trọng tại Khu di tích Gò Tháp.