Xuất bản thông tin

null Văn hóa ẩm thực nam bộ tại Chợ quê Gò Tháp

Chi tiết bài viết Tin hoạt động

Văn hóa ẩm thực nam bộ tại Chợ quê Gò Tháp

Ăn uống không chỉ là việc cung cấp năng lượng để duy trì sự sống mà đã trở thành văn hóa. Khám phá văn hóa ẩm thực ở Chợ quê Gò Tháp để thấy được sự đa dạng và sáng tạo của người dân nơi đây trong quá trình ứng xử với môi trường thiên nhiên.

Chợ quê Gò Tháp được bày trí theo kiểu chợ truyền thống Nam Bộ với những gian hàng lợp lá, quầy sạp bằng tre,  gỗ, dừa…  và trang trí  bằng những chất liệu mộc mạc, đơn sơ. Chợ được họp từ 14 giờ đến 20 giờ vào ngày thứ bảy  tuần cuối của tháng.

Description: C:\Users\phung\OneDrive\Desktop\a.gif

Chợ quê Gò Tháp có các món ngon cực kỳ đa dạng được chế biến từ những nguyên liệu tươi mới của địa phương. Tất cả những món được bày bán trong chợ quê đa phần đều là từ cây nhà lá vườn. Người dân tận dụng các nguồn lợi từ thiên nhiên để làm ra các món ăn. Đó có thể là vài cọng rau mọc sau hè, cá bắt ngoài đồng, trái cây hái trong vườn,…

Những món nướng thơm lừng trên than đỏ hồng, như cá lóc, gà, vịt, chuột, ếch… là những đặc sản nổi tiếng của Đồng Tháp Mười. Nướng là một cách chế biến món ăn thông dụng nhất của cư dân Nam Bộ, phù hợp với điều kiện cuộc sống khai hoang bởi tính nhanh gọn và hương vị thơm ngon.

Món cháo nóng hổi với làn khói bay nghi ngút. Cháo cá lóc rau đắng là sự sáng tạo trong ẩm thực của người dân địa phương. Từ một loại nguyên liệu là các lóc, người ta có thể chế biến các món khác nhau như, nướng, hấp, chiên, nấu cháo, kho tiêu, phơi khô, làm mắm...

Description: C:\Users\phung\OneDrive\Desktop\c.gif

Món bánh xèo ở vùng đất Nam Bộ to, nhân bánh đa dạng theo mùa, có thể thêm giá, đậu xanh, hoặc măng, củ sắn,... và đặc biệt là vào mùa nước nổi còn có bánh xèo nhân bông điên điển. Bánh xèo ăn kèm rất nhiều loại rau, ngon nhất là kết hợp với rau rừng hoặc các loại lá ngoài vườn như: lá xoài non, lá cóc, rau soi nhái, bằng lăng, diếp cá, cát lồi, đọt choại, ... Đó chính là một phần ký ức văn hóa mà người dân Nam Bộ mang theo khi khai hoang, kết hợp với sản vật thiên nhiên ở vùng đất mới này.

Vị ngọt, béo trong nước cốt dừa chính là nét đặc trưng trong ẩm thực của người miền Nam. Có thể thấy được trong cách chế biến các món ăn, mà thể hiện rõ nét nhất qua các loại bánh. Những món bánh hấp dẫn như bánh cam, bánh còng, bánh da lợn, bánh bò… phải có nước cốt dừa pha với bột, và còn phải làm nước cốt chấm thêm mới tròn vị.

Trong chợ quê Gò Tháp, người ta thường chế biến món ăn và ăn ngay tại chỗ để cảm nhận được trọn vẹn hương vị. Tiếng xèo xèo” của thức ăn nóng hổi trên bếp cộng với mùi thơm nứt mũi chính là lời mời gọi khó cưỡng nhất đến du khách. Cái nét dân dã, bình dị, mộc mạc của văn hóa ẩm thực Nam Bộ còn thể hiện ở điều này. Cách chế biến đơn giản và chọn nơi ăn gần gũi với thiên nhiên.

Những loại thức uống và những món ăn vặt của chợ quê còn có các loại nước mát lạnh như sữa sen, sữa đậu nành, dừa tắc, nước mía, trái cây, hạt sen. Các loại chè cũng được bày bán bắt mắt.

Description: C:\Users\phung\OneDrive\Desktop\c.gif

Bên cạnh việc thưởng thức tại chỗ, thì du khách có thể mua đặc sản mang về làm quà. Sạp mắm và khô với đủ loại từ cá linh, các chốt, cá lóc, cá sặc...  Làm khô và làm mắm là cách mà người Nam Bộ bảo quản thực phẩm dùng  trong thời gian dài. Mắm kho với bông súng đã trở thành đặc sản của Đồng Tháp qua câu ca dao:

“Muốn ăn bông súng mắm kho

Thì vô Đồng Tháp ăn cho đã thèm”

Như cha ông ta đã từng đúc kết: “ Miếng ngon nhớ lâu”.  Thông qua việc thưởng thức ẩm thực tại Chợ quê Gò Tháp, du khách sẽ nhớ mãi một vùng đất bình dị và mộc mạc nhưng không kém phần hấp dẫn. Chợ quê Gò Tháp là địa điểm lý tưởng để thư giãn, dạo chơi cùng với gia đình, bạn bè sau những ngày lao động vất vả.

Tin Hồng Thắm, Ảnh: Hoàng Quân