Xuất bản thông tin

null RỰC RỠ SẮC HỒNG HOA Ô MÔI TẠI DI TÍCH QUỐC GIA ĐẶC BIỆT GÒ THÁP

Chi tiết bài viết Tin hoạt động

RỰC RỠ SẮC HỒNG HOA Ô MÔI TẠI DI TÍCH QUỐC GIA ĐẶC BIỆT GÒ THÁP

Hàng năm cứ vào tháng ba, hoa ô môi tại Di tích Quốc gia đặc biệt Gò Tháp nở rộ, làm hồng cả một góc trời.

Cây ô môi là loài cây bản địa, thân cao trung bình từ 10m đến 20m.  Khi lá rụng, hoa ô môi sẽ nở rộ thành cụm với màu hồng đậm đặc trưng. Ở Khu Di tích Gò Tháp, hoa ô môi có thể được tìm thấy khắp nơi, xen lẫn vào những cây bản địa khác tạo nên một bức tranh thiên nhiên thơ mộng và hữu tình.

 

Hoa ô môi là một hình ảnh tuyệt vời, một điểm nhấn tuyệt đẹp của cây ô môi. Cũng chính vì nét đẹp ấy mà nhiều nhạc sĩ, họa sĩ đã đưa hình ảnh của loài hoa này vào tác phẩm của mình. Soạn giả cải lương Viễn Châu đã đưa hình ảnh hoa ô môi vào bài ca vọng cổ của mình, có trích đoạn rằng: “Ô môi rụng cánh ngoài sân. Mấy mùa hoa nở mấy năm đợi chờ… Ô môi rụng cánh tơi bời. Chuông tắt lâu rồi, tôi còn đứng mong ai”. Lời ca da diết, đã đưa hình ảnh của hoa ô môi đi sâu vào ký ức của những người dân miền Tây chân chất, mộc mạc.

 

Vào tháng 3, những bông hoa ô môi nở rộ trên cành, tạo nên một khung cảnh rực rỡ làm sắc hồng cả một góc trời và chính vì thế mà hoa ô môi được mệnh danh là “hoa anh đào” của Miền Nam. Màu hồng của hoa ô môi như một điểm nhấn tinh tế giữa bức tranh xanh mướt của cây cỏ và lá xanh của cây ô môi. Hương thơm dịu nhẹ từ hoa ô môi kết hợp cùng không gian yên bình tại Di tích Quốc gia đặc biệt Gò Tháp, tạo nên một cảm giác thư thái và hài hòa cho du khách có dịp ghé thăm Gò Tháp.

 

Mùa hoa ô môi kéo dài khoảng tầm 2 tháng. Thời gian trổ hoa tuy không gọi là nhiều, nhưng cũng đủ làm cho tâm hồn của mỗi người khi vào Di tích Quốc gia đặc biệt Gò Tháp cảm thấy nhẹ nhàng hơn, thư giản hơn trước sức hút của loài hoa ô môi mộc mạc, giản dị ở nơi đây.

 

Di tích Quốc gia đặc biệt Gò Tháp là một địa điểm lý tưởng để tận hưởng vẻ đẹp của hoa ô môi. Màu hồng rực rỡ của hoa ô môi thật sự là một phần không thể tách rời của thiên nhiên tại nơi đây. Năm 2023, Ban Quản lý Khu Di tích Gò Tháp đã trồng thêm 300 cây ô môi trong Khu Di tích, góp phần bảo tồn loài cây bản địa này.

 

Tin, ảnh: Nhựt Hào